Tổng kết công tác tư pháp, hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh
Ngày 18-1, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp, hoạt...
Tổng kết công tác tư pháp, hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh
Ngày 18-1, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp, hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017.Dự hội nghị có đồng chí Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2016, ngành tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Sự phối kết hợp kịp thời, hiệu quả của các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện cho quá trình triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp của địa phương được thuận lợi và đạt kết quả tốt.
Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai Luật bầu cử Quốc hội, HĐND và Luật tổ chức chính quyền địa phương và được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh; triển khai Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và các văn bản luật mới ban hành đến cán bộ chủ chốt các cấp. Xác định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có tầm quan trọng trong công tác ban hành văn bản của các cấp chính quyền, Sở đã tổ chức 04 hội nghị tập huấn chuyên sâu cho cán bộ làm công tác văn bản của các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố.
Công tác thẩm định, góp ý văn bản được chú trọng cả về tiến độ và chất lượng. Sở đã tham gia thẩm định 100% các văn bản QPPL trình HĐND, UBND tỉnh ban hành, đảm bảo kịp thời, chất lượng, khả thi khi tổ chức thực hiện. Việc xây dựng và ban hành văn bản trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện theo đúng trình tự quy định của Luật ban hành văn bản, văn bản ban hành không đúng quy định đã giảm nhiều so với các năm trước. Tham gia ý kiến 39 dự thảo văn bản của Trung ương; thẩm định 258 dự thảo văn bản của tỉnh (tăng 57 văn bản so với cùng kỳ năm 2015). Trực tiếp tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết, xử lý 59 vụ việc pháp luật cụ thể ở địa phương, chủ yếu là các vấn đề về đất đai, giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất… Tổ chức 06 lớp tập huấn nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác soạn thảo, ban hành văn bản QPPL của cấp huyện, cấp xã tại các huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra 1.510 văn bản; kiểm tra theo thẩm quyền 140 văn bản QPPL của các huyện, thị xã, thành phố. Kiểm tra văn bản theo kế hoạch tại 06 huyện, thị xã, thành phố với 79.029 văn bản.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thủ tục hành chính đã được công bố kịp thời; tập trung rà soát, sửa đổi theo hướng giảm chi phí tuân thủ TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Sở đã kiểm soát chất lượng 1.721 TTHC; rà soát, đánh giá tác động 42 TTHC; ban hành 47 công văn đề nghị công khai, không công khai dữ liệu về TTHC; xem xét, đánh giá chất lượng kết quả rà soát 12 nhóm TTHC và 06 TTHC đơn lẻ do các sở, ban ngành. Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 17 Quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa TTHC.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thường xuyên quan tâm chỉ đạo; trong đó trọng tâm là tiếp tục triển khai có hiệu quả các Luật mới ban hành, các đề án, chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Trung ương và tỉnh. Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp được kiện toàn, hoạt động có hiệu quả, đã phát huy được trách nhiệm và sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vào công tác PBGDPL trên địa bàn.
Với nhiều hình thức tuyên truyền PBGDPL được triển khai rất phong phú, đa dạng. Việc triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành được thực hiện kịp thời đến các cấp, các ngành và nhân dân; do đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, nâng cao ý thức thượng tôn và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; góp phần ngăn chặn, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Công tác hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL luôn được Sở Tư pháp triển khai thường xuyên, kịp thời.
Sở đã ký kết chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2016-2020. Phối hợp với các sở, ngành xây dựng chuyên mục ” Nhà nước và pháp luật” được phát sóng hàng tuần trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức cuộc thi viết ” Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng “, đã có 320.000 bài dự thi.
Năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức 4.300 hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản luật mới ban hành của trung ương và của tỉnh với hơn 100.000 lượt người tham dự; biên soạn, phát hành hơn 250.000 sách, tài liệu, tờ gấp pháp luật để giới thiệu các quy định mới của pháp luật; nội dung được biện soạn phong phú, đa dạng, cụ thể, dễ đọc, dễ hiểu. Các tổ hoà giải đã tiếp nhận hòa giải 5.246 vụ việc; hòa giải thành 4.385 vụ việc, đạt tỷ lệ 84%.
Công tác hộ tịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016, đã được các địa phương tập trung thực hiện và có nhiều khởi sắc. Sở Tư pháp đã kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; tổ chức tập huấn cho 1.200 học viên là cán bộ Phòng Tư pháp, công chức tư pháp – hộ tịch và lãnh đạo UBND cấp xã phụ trách công tác tư pháp. Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch (với 90% xã, phường, thị trấn ứng dụng phần mềm hộ tịch). Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với ngành Y tế, Công an triển khai có hiệu quả Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Tăng cường cải cách hành chính trong việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân; Sở đã ký kết với Bưu điện tỉnh thực hiện việc tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ, kết quả cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu điện, theo đó người dân có thể nộp hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại các Bưu điện văn hóa xã và nhận kết quả tại nhà. Việc cấp phiếu lý lịch tư pháp đã đảm bảo đúng thời gian quy định, không còn hồ sơ trễ hẹn. Năm 2016, Sở tiếp nhận 17.020 thông tin LLTP (tăng 7.481 thông tin so với cùng kỳ năm 2015); phối hợp với các cơ quan hữu quan xác minh cấp Phiếu LLTP 6.494 trường hợp.
Tiếp tục triển khai sâu rộng Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; tập trung triển khai đến các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân theo từng lĩnh vực có liên quan. Phối hợp với các sở, ngành kiểm tra 57.775 hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Nâng cao hơn nữa công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong đó xác định lĩnh vực theo dõi có ảnh hưởng nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và đã theo dõi thi hành pháp luật về xử lý chất thải rắn nông thôn, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai tại 07 huyện, thị xã.
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được tăng cường, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Các tổ chức bổ trợ tư pháp hoạt động nền nếp hơn; năng lực, trình độ chuyên môn được nâng lên; trụ sở làm việc, cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị khang trang hơn; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tiến độ xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp được đẩy mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của công dân và tổ chức.
Sở đã phối hợp với các sở, ngành khảo sát hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, công tác chứng thực của UBND cấp xã. Qua kết quả khảo sát, đánh giá, UBND tỉnh đã có văn bản tiếp tục thực hiện giao thẩm quyền công chứng cho các tổ chức hành nghề công chứng như trước đây (không giao thẩm quyền cho UBND cấp xã đối với những nơi đã giao thẩm quyền cho công chứng). 40 tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 80.509 việc, nộp ngân sách gần 3 tỷ đồng. Ba tổ chức giám định thực hiện 2.057 vụ việc, 15 tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 1.630 việc (tăng 729 việc so với cùng kỳ 2015); 21 tổ chức bán đấu giá tài sảnđã ký 682 hợp đồng (tăng 279 hợp đồng so với cùng kỳ 2015); đã bán đấu giá thành 557 cuộc; ba Văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện tống đạt 10.312 văn bản, lập 33 vi bằng; doanh thu 1,1 đồng
Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục đượctriển khai có hiệu quả. Để đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Sở đãkiện toàn lại mạng lưới Chi nhánh trợ giúp pháp lý, chuyển ba chi nhánh đến địa điểm mới là thị xã Bỉm Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thạch Thành. Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện 497 vụ việc; trong đó, tham gia tố tụng: 381 vụ việc (tăng 233 vụ việc so với cùng kỳ năm 2015); thực hiện 10 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
Công tác bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành, nhất là đội ngũ cán bộ tư pháp ở cơ sở được chú trọng. Ngành đã tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Tổ chức tốt các phong trào thi đua khen thưởng, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng phòng, đơn vị. Với những kết quả đạt được của ngành Tư pháp đã góp phần thiết thực vào thành tựu chung của tỉnh trong phát triển kinh tế – xã hội. Vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được khẳng định.