Luật Doanh nghiệp 2020 được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 với một số điểm nổi bật:
Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều có...
- Luật Doanh nghiệp 2020 được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 với một số điểm nổi bật:
Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều có nhiều cải cách quan trọng. Trong đó, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường. Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống”. Đồng thời, thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay. Luật cũng nâng cao khuôn khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sử hữu nhà nước với việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp
- Luật Đầu tư 2020 được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Luật Đầu tư được ban hành với mục tiêu tổng thể là nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Luật có 07 Chương 77 Điều và 4 Phụ lục.
Nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật này sửa đổi, bổ sung Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.Bên cạnh đó, Luật này đã sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định trong Luật Đầu tư 2014 để bảo đảm tính thống nhất với các Luật liên quan đến đất đai, thuế, đồng thời sửa đổi 06 Luật khác để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư 2020, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Điện ảnh.
Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Sửa đổi, bổ sung quy định tại các Phụ lục I, II, III về cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, khoáng vật độc hại và động, thực vật hoang dã cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước; Tiếp tục cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm 22 ngành, nghề quy định tại Phụ lục IV.
Luật cũng quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận “chọn bỏ”. Sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không cần thiết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng.
- Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020 được Quốc Hội thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án được ban hành xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đồng thời, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án Luật gồm 4 chương, 42 điều quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không áp dụng (không điều chỉnh) các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được quy định ở các Luật khác.
- Luật Thanh niên 2020 được Quốc Hội thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Luật Thanh niên năm 2020 có 7 Chương Điều đã sửa đổi bổ sung toàn diện Luật Thanh niên năm 2005. Luật không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của Thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước và xã hội, gia đình và bản thân thanh niên để làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm. Luật cũng quy định nguyên tắc đảm bảo thực hiện quyền, nghĩa vụi của Thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với Thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách Nhà nước đối với thanh niên; quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với Thanh niên; chính sách Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với Thanh niên và quản lý nhà nước về thanh niên.
- Luật Xây dựng sửa đổi 2020 được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng quy định các hình thức quản lý dự án do người quyết định đầu tư xem xét quyết định theo quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.
Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp giấy phép xây dựng theo hướng: (i) rà soát đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng cho phù hợp với yêu cầu quản lý; (ii) đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; (iii) tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (iv) rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng.
Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi, bổ quy định về chứng chỉ hành nghề theo hướng: (i) lược bỏ một số đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề; (ii) bổ sung quy định tổ chức xã hội nghề nghiệp được cấp chứng chỉ của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng; (iii) quy định trách nhiệm đăng tải thông tin năng lực hoạt động xây dựng là của cơ quan cấp chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; sung các quy định về nguyên tắc đầu tư xây dựng; phân loại, phân cấp công trình xây dựng, phân loại dự án đầu tư xây dựng; sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, công trình khân cập, công trình tạm; quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng, phá dỡ công trình, an toàn trong thi công xây dựng công trình; bàn giao quản lý hành chính đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; quy định về quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 được Quốc Hội thông qua ngày 18/6/2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2020) đã sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật với những nội dung mới cơ bản sau: tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật là nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nghị quyết 3 bên); thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa ná nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Luật cũng sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật năm 2020 bỏ yêu cầu lập đề nghị theo quy trình chính sách đối với nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27. Đồng thời, bổ sung trường hợp cho phép địa phương được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp cần thiết đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
- Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 được Quốc Hội thông qua ngày 19/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Trước yêu cầu cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQTW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời, để kịp thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật trong thời gian qua, Quốc hội khóa XIV đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội; bổ sung một số quy định sau đây về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quyết định, phê chuẩn số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội, triệu tập, tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, quy định cụ thể việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương.
Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và đổi tên Ủy ban về các vấn đề Xã hội thành Ủy ban Xã hội để bắt đầu thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, Luật đã bổ sung quy định chuyển tiếp để xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 01/7/2021.
- Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, được Quốc Hội thông qua ngày 18/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Đây là một luật mới hoàn toàn và việc ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác. Việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách. Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định cụ thể về lĩnh vực đầu tư, quy mô đầu tư, phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Hội đồng thẩm định dự án PPP, Vốn nhà nước trong dự án PPP, lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, huy động vốn của doanh nghiệp dự án, Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP.
- Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, được Quốc Hội khóa XIV đã thông qua ngày 10 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp bổ sung 01 điều, 04 khoản và 04 điểm; sửa đổi, bổ sung 08 điều, 22 khoản và 09 điểm. Cụ thể, Luật mở rộng phạm vi của giám định tư pháp theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành; bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự là “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”; bổ sung cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và Kiểm toán nhà nước giới thiệu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp; bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định và được bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định; quy định cụ thể hơn cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp; bổ sung quy định về thời hạn giám định; sửa đổi quy định về kết luận giám định theo hướng cụ thể hơn; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp.
- Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều sửa đổi 2020 được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiêu tai và Luật Đê điều gồm 3 điều. Trong đó, sử đổi, bổ sung 24 khoản của Luật Phòng, chống thiên tai và 7 khoản của Luật Đê điều.
Về sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống thiên tai, Luật đã bổ sung 04 loại thiên tai gồm: gió mạnh trên biển, sương mù, cháy rừng và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán; bổ sung 05 loại công trình phòng chống thiên tai; bổ sung quy định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tại được thành lập ở cấp xã, do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập; bổ sung quy định về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho phòng chống thiên tai để chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó khi xảy ra thiên tai. Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước và bổ sung quy định sử dụng Quỹ dự trữ tài chính trong hoạt động phòng, chống thiên tai cho phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành; bổ sung quy định Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ quốc tế, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ngoài ngân sách nhà nước. Ngoài ra Luật cũng bổ sung 02 Điều mới: Điều tra cơ bản, Khoa học và công nghệ phòng, chống thiên tai. Bổ sung quy định đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tại trong giai đoạn quản lý, sử dụng công trình. Bổ sung thẩm quyền huy động, quyên góp, tiếp nhận của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm có thêm nguồn lực xã hội khắc phục hiệu quả, kịp thời khó khăn của người dân vùng bị thiên tai về cả vật chất và tinh thần.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Đê điều, Luật bổ sung quy định hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ để điều phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bổ sung quy định việc sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng và việc xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi, cù lao để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đảm bảo không gian thoát lũ, chứa lũ của tuyến sông, an toàn để điều. Luật cũng đã bỏ quy định xây dựng cầu qua sông có để phải có cầu dẫn trên bãi sông.
TH (Tổng hợp)