Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa

Ngành Tư pháp chuyển đổi số từ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Để bắt kịp xu thế chuyển đổi số quốc gia, ngành Tư pháp Vĩnh Phúc đã và đang có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp đối với từng lĩnh vực, nhóm nhiệm vụ. Qua đó, xây dựng ngành Tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với người dân, doanh nghiệp, ngay từ khi bắt đầu triển khai Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030", Sở Tư pháp đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nhóm nhiệm vụ theo yêu cầu Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh và Bộ Tư pháp.
Đơn vị ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chuyển đổi số. Trọng tâm là triển khai thủ tục hành chính (TTHC) thuộc danh mục TTHC thiết yếu gồm: Đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn và cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP)…

Cán bộ Sở Tư pháp giới thiệu với người dân danh mục các TTHC thiết yếu theo Đề án 06 nhằm nâng số lượng hồ sơ trực tuyến.

Để đảm bảo mọi thông tin được cập nhật chính xác, kịp thời, các phòng chuyên môn của Sở Tư pháp tích cực hướng dẫn các xã, thị trấn phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tập huấn cho cán bộ, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em trên phần mềm khai sinh điện tử, đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực, đảm bảo đúng pháp luật và thời gian quy định.
Hiện nay, đối với việc cấp phiếu LLTP, ngành Tư pháp tỉnh đang tiếp nhận theo 3 hình thức gồm: Nộp hồ sơ qua bưu điện, qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công tỉnh.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đơn vị đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân khi có nhu cầu về việc cấp phiếu LLTP sẽ nộp hồ sơ trực tuyến, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tăng tính công khai, minh bạch về TTHC.
Lãnh đạo Sở Tư pháp khẳng định, đơn vị luôn quan tâm thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước như: Phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng quản lý hoạt động công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; phần mềm hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; phần mềm LLTP do Bộ Tư pháp cung cấp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, kết quả tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, giải quyết hơn 3.000 hồ sơ trực tuyến về cấp phiếu LLTP; hơn 70.000 thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn; hơn 500 TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Những kết quả trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các TTHC, không phải mất thời gian, chi phí đi lại nhưng vẫn hoàn thành đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác chuyển đổi số của ngành Tư pháp tỉnh vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn. Việc tích hợp phần mềm dịch vụ công, phần mềm một cửa các cấp với phần mềm hộ tịch dùng chung chưa hoàn thiện, dẫn đến tình trạng công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện, cấp xã phải thực hiện cùng lúc 2 phần mềm này.
Trình độ dân trí, điều kiện vật chất, trang bị thiết bị số của người dân chưa đồng đều nên nhu cầu thực hiện TTHC trực tuyến chưa cao. Nhiều người vẫn duy trì thói quen đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan nhà nước.
Với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngành Tư pháp tỉnh tiếp tục thực hiện toàn diện, mạnh mẽ công tác chuyển đổi số nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, người dân về ý nghĩa thiết thực của công tác này đối với hoạt động của ngành và đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cũng như những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, chủ động tham mưu các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh và nhiệm vụ số hóa, làm sạch dữ liệu hộ tịch theo yêu cầu của Đề án 06.
Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Tư pháp và ngành Công an trong công tác kiểm tra, rà soát, làm sạch dữ liệu hộ tịch, đồng thời, tích cực ứng dụng CNTT trong từng hoạt động chuyên môn nhằm cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện nhất cho người dân.

Theo: moj.gov.vn

 
Các tin liên quan
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH THANH HÓA

Bản quyền sử dụng: Sở Tư pháp Thanh Hóa

Địa chỉ: 34 Đại lộ Lê Lợi, Thành phố Thanh Hoá

ĐT: 02373.852.763; Fax: 02373.751.584

Chịu trách nhiệm: Ông Bùi Đình Sơn – Giám đốc Sở Tư Pháp

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa