Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa

Ngành Tư pháp Thanh Hóa xác định 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

Năm 2021, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX,...

Năm 2021, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội những năm tiếp theo. Ngày 14/01/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 174/QĐ-UBND ban hành chương trình công tác tư pháp năm 2021 với những nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Công tác chỉ đạo điều hành: Tiếp tục chỉ đạo ngành Tư pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2021; trong đó, chú trọng vào việc tổ chức thi hành pháp luật, các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh về cơ chế, chính sách phát triển kinh kế – xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.v.v. Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở; kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong hoạt động của ngành Tư pháp, đặc biệt là công tác tư pháp ở cơ sở.

2. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: Triển khai có hiệu quả Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; Chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác thẩm định, góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Tham mưu giải quyết hiệu quả các vụ việc pháp luật cụ thể thuộc thẩm quyền của tỉnh nhất là lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư kinh doanh; Triển khai thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trong đó, tập trung bám sát thực tế ban hành văn bản của các cơ quan, nhất là các văn bản có liên quan trực tiếp, rộng rãi đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh; văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, không phù hợp được dư luận xã hội quan tâm để thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản; Tập trung rà soát văn bản trong các lĩnh vực gắn với giải pháp chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp rà soát các văn bản, cơ chế, chính sách đã ban hành giai đoạn 2016- 2020; đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021 – 2025.

3. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Tham mưu ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 211-KH/TU ngày 12/8/2020 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các Chương trình, Đề án về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoàn thành Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 – 2021”; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên giai đoạn 2018 – 2022”. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, trong đó tập trung vào các văn bản pháp luật mới được ban hành, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các văn bản gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng mở thêm các chuyên mục, chuyên trang điện tử, bám sát các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của ngành và địa phương; phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.

4. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật xử lý vi phạm hành chính; trong đó tập trung vào việc hướng dẫn thực hiện các quyết định xử phạt hành chính đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm các quyết định xử phạt hành chính; Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và chỉ đạo của Bộ Tư pháp về công tác theo dõi thi hành pháp luật đảm bảo gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức kiểm tra liên ngành về theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những bất cập trong quy định và thực thi pháp luật để kiến nghị hoàn thiện pháp luật và thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật.

5. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch; tập trung triển khai việc thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về hộ tịch, chứng thực; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai hiệu quả chứng thực điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ; Tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi, Công ước La Hay; tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp; Đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Nghị định số 24/2019/NĐ- CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ, trong đó chú trọng kiểm tra các cơ sở nuôi dưỡng và rà soát, lập danh sách trẻ em có nhu cầu tìm gia đình thay thế trên địa bàn tỉnh; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Tập trung nguồn lực giải quyết tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp. Tăng cường thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích để tạo thuận lợi cho người dân; Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường của nhà nước. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.

6. Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý: Triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các văn bản mới được ban hành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản và Thừa phát lại; Chú trọng công tác trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc tham gia tố tụng gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý; lồng ghép trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và các Chương trình bảo đảm công bằng xã hội khác; hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý; thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

7. Công tác xây dựng ngành, thi đua khen thưởng: Kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp theo quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ, Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ, Thông tư số 07/TT-BTP ngày 21/12/2020 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện; Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành; Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố quan tâm kiện toàn đội ngũ công chức Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp – Hộ tịch bảo đảm đủ về số lượng, đúng chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; Tổ chức có hiệu quả, thiết thực các phong trào thi đua do Bộ Tư pháp và UBND tỉnh phát động, gắn việc thực hiện các phong trào thi đua với nhiệm vụ chính trị của ngành.

8. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Tư pháp để kịp thời phát hiện, xử lý và phòng ngừa vi phạm trong các lĩnh vực quản lý Ngành Tư pháp; chú trọng công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản quyền sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố. Đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra; Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh tại cơ sở, hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp; giải quyết kịp thời, dứt điểm, có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo.

9. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin Đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp; sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực tư pháp; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc và khai thác tối đa lợi ích của văn bản điện tử, chữ ký số. Tập trung thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Đức Minh 

 

 

Các tin liên quan
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH THANH HÓA

Bản quyền sử dụng: Sở Tư pháp Thanh Hóa

Địa chỉ: 34 Đại lộ Lê Lợi, Thành phố Thanh Hoá

ĐT: 02373.852.763; Fax: 02373.751.584

Chịu trách nhiệm: Ông Bùi Đình Sơn – Giám đốc Sở Tư Pháp

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa