Phát triển hạ tầng số - Tạo động lực cho chuyển đổi số quốc gia
Phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng số quốc gia đồng bộ, hiện đại phục vụ Chính phủ số, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số đang là xu hướng phát triển chung của Việt Nam và hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đây cũng là bước tiến quan trọng, tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ quan tâm và định hướng.
Chuyển mình mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu
Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu, là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Tại Việt Nam, hạ tầng số đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Việt Nam hiện nằm trong số những nước hàng đầu thế giới về phát triển hạ tầng số, nhất là trong việc tăng độ phủ kết nối mạng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số; mạng cũng đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã xây dựng được hạ tầng băng thông rộng với độ phủ cao, đưa mạng internet đến hầu hết các địa bàn trên cả nước với 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng thông rộng. Mặc dù là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nhưng độ phủ sóng di động băng thông rộng 4G của Việt Nam cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao. Tính đến hết năm 2023, độ phủ sóng 4G của Việt Nam đạt 99,8%, trong khi các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Mạng internet 5G đã được triển khai tại 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tốc độ truy cập mạng băng thông rộng cố định đạt 104,08 Mbps, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 41 và cao hơn trung bình thế giới là 87,79 Mbps; đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, Thái Lan, Malaysia. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 44,92 Mbps, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 57 thế giới và đứng thứ 4 tại khu vực, sau Singapore, Brunei và Malaysia. Với tốc độ mạng tăng từ 15-30%, người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ yêu cầu tốc độ cao.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone)/tổng số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam tiếp tục tăng cao và tăng nhanh, đạt 84,4%, cao hơn mức trung bình 63% của thế giới. Việt Nam hướng đến mục tiêu 100% người dùng smartphone vào cuối năm 2024. Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình đạt gần 80%, cao hơn so với trung bình khoảng 60% của thế giới. Tỷ lệ sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại ASEAN và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như: Trung Quốc, Mỹ hay Canada. Đặc biệt, cước phí dữ liệu (data) tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới.
Phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng số quốc gia đồng bộ, hiện đại phục vụ Chính phủ số, làm nền tảng
cho phát triển kinh tế số, xã hội số đang là xu hướng phát triển chung của Việt Nam
và hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tính đến hết năm 2023, tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập được trên 80,69 nghìn tổ công nghệ số cộng đồng, tăng trên 11,7 nghìn tổ so với năm 2022. Số lượng thành viên tham gia tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, phố đạt trên 378,9 nghìn thành viên, tăng 58,1 nghìn thành viên so với năm 2022.
Đáng chú ý, 30/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63/63 tỉnh, thành phố ban hành Chương trình, Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và hằng năm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số đã được triển khai trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs). Nền tảng OneTouch được khai trương từ đầu tháng 4/2022, tính đến 15/11/2023 đã có 22,307 triệu lượt truy cập vào nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch. Đồng thời, đã cung cấp 48 khóa học cho nhân lực chuyên trách về CNTT và công chức, viên chức cơ quan nhà nước, đã bồi dưỡng tập huấn được trên 304,3 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương.
Các Bộ, ngành và địa phương đều có hạ tầng lưu trữ dữ liệu riêng để lưu trữ, phục vụ phát triển các nền tảng, dữ liệu, trong đó một số nơi đã triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để nâng cao năng lực. Theo đó, số Bộ, ngành, địa phương đã triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt 71,43%. Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, với tổng số 571 nghìn máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý.
Những thành tựu đạt được nằm trong nỗ lực để mọi người dân đều có cơ hội sử dụng internet, tiếp cận không gian số, nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện "không bỏ ai lại phía sau" trong quá trình chuyển đổi số; đồng thời giúp Việt Nam có cơ sở và tiềm năng để tăng tốc trong phát triển Internet vạn vật (IoT) và thúc đẩy nền kinh tế số.
Giải pháp phát triển
Phát triển hạ tầng số được xác định là một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo nền tảng cốt lõi, cần được ưu tiên hàng đầu cho chuyển đổi số quốc gia. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh tính thiết yếu của hạ tầng số và đề ra nhiệm vụ phát triển hạ tầng số sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.
Để giải quyết bài toán hạ tầng số, Việt Nam tập trung vào phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao, quy hoạch băng tần và phát triển mạng di động, mở rộng kết nối Internet, IoT, dữ liệu đám mây… như: Xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc, bắt đầu từ các thành phố lớn, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện. Quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G; nâng cấp mạng di động 4G; sớm thương mại hóa mạng di động 5G; triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh tại Việt Nam; xây dựng quy định và lộ trình yêu cầu tích hợp công nghệ 4G, 5G đối với các sản phẩm điện thoại di động và các thiết bị Internet vạn vật (IoT) được sản xuất và nhập khẩu để lưu thông trên thị trường trong nước. Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực. Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (Ipv6). Dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia (.vn). Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông, đô thị, xây dựng phải có nội dung nghiên cứu, phân tích để xem xét, bổ sung hạng mục ứng dụng, kết nối mạng IoT, tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số. Các nội dung phát triển hạ tầng IoT phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp.
Tại Quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tầm quan trọng của phát triển hạ tầng số tiếp tục được nhấn mạnh. Theo đó, để phát triển hạ tầng số cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông với mạng viễn thông băng rộng, bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng IoT được tích hợp rộng rãi, bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây với các trung tâm dữ liệu quy mô lớn được kết nối đồng bộ, liên thông với hiệu suất khai thác cao; dữ liệu được lưu trữ theo quy định và bảo đảm an toàn; khuyến khích sử dụng công nghệ dữ liệu trong nước. Phát triển hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên các nền tảng số có tính chất hạ tầng quy mô quốc gia, nền tảng dùng chung; nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch trực tuyến.
Đến năm 2030, Việt Nam kỳ vọng sẽ có hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; phát triển thêm 4-6 tuyến cáp quang biển quốc tế; hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh số có khả năng cung cấp chương trình và các dịch vụ giá trị gia tăng có chất lượng cao tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, các thành phố, đô thị loại I và các khu vực lân cận. Phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm trung tâm dữ liệu nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, trong đó hình thành tối thiểu 03 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp. Đồng thời, các nền tảng số quy mô quốc gia được hoàn thiện, vận hành thông suốt đáp ứng được yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.
Năm 2024 là năm nước rút để có thể đạt được những mục tiêu đầu tiên trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, do đó, ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm theo chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Đây cũng là một trong những nỗ lực và quyết tâm phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng và động lực hoàn thành các mục tiêu bước đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia./.
Theo: moj.gov.vn