Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp

Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp (theo Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012) và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định...

Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp (theo Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012) và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp, ngày 01/01 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014 và kể từ thời điểm này thì Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp hết hiệu lực thi hành.

Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg gồm có 8 điều bao gồm các quy định về đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng; chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công và theo vụ việc; mức bồi dưỡng đối với người giúp việc cho người giám định tư pháp, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ trong thời gian thực hiện khám nghiệm tử thi, mổ tử thi và khai quật tử thi; nguồn kinh phí và nguyên tắc chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; hiệu lực và trách nhiệm thi hành. Nội dung cơ bản như sau:

  1. Về đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp

Theo quy định tại Điều 1 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg thì chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp được áp dụng cho những đối tượng sau đây:

– Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp.

– Người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm: trợ lý; kỹ thuật viên; y công; cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi; những người khác hỗ trợ cho người giám định tư pháp và tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định do thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định.

– Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.

  1. 2.Mức bồi dưỡng giám định tư pháp

Căn cứ vào tính chất, đặc thù của từng loại việc giám định, từng lĩnh vực giám định, mức bồi dưỡng giám định tư pháp được tính theo ngày công hoặc theo vụ việc giám định trong Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg được điều chỉnh tăng thêm từ 50% – 100% mức bồi dưỡng giám định tư pháp của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg, cụ thể như sau:

2.1. Mức bồi dưỡng giám định theo ngày công (Điều 2)

Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công được áp dụng đối với việc giám định tư pháp trong các lĩnh vực:pháp y về độc chất, tổ chức học, sinh học, giám định trên hồ sơ; pháp y tâm thần; kỹ thuật hình sự; tài chính; ngân hàng; văn hóa; xây dựng; tài nguyên và môi trường; thông tin và truyền thông; nông-lâm-ngư nghiệp và các lĩnh vực khác.

Mức bồi dưỡng giám định tư pháp một ngày công đối với một người thực hiện giám định theo ngày công trong các lĩnh vực giám định nêu trên có các mức bồi dưỡng như sau:

– Mức 150.000 đồng áp dụng đối với việc giám định không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c của Khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg;

– Mức 300.000 đồng áp dụng đối với việc giám định phải tiếp xúc với đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc phải giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm B quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải thực hiện giám định trong môi trường bị ô nhiễm nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm c của Khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg;

– Mức 500.000 đồng áp dụng đối với việc giám định phải tiếp xúc với đối tượng giám định nhiễm HIV/AIDS, mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm hoặc phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải tiếp xúc với chất phóng xạ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất ban hành kèm theo Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất, Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 và chất độc hại, nguy hiểm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngày công thực hiện giám định tư pháp được tính là 8 giờ thực hiện giám định. Số tiền bồi dưỡng cho một việc giám định được tính như sau:

 

Số tiền bồi dưỡng  = Số giờ giám định   x mức bồi dưỡng một ngày công
8 giờ

 

Thời gian, khối lượng công việc cần thiết cho việc thực hiện giám định theo quy trình thực hiện giám định chuẩn của từng lĩnh vực giám định do Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp quy định.

Trường hợp thời gian thực hiện giám định vượt quá 8 giờ/ngày thì tổng thời gian làm giám định tăng thêm không vượt quá 300 giờ/năm.

Trường hợp phải thực hiện giám định tư pháp vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức bồi dưỡng được tính bằng 02 lần mức bồi dưỡng giám định tư pháp tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg.

Trường hợp phải thực hiện giám định tư pháp vào ngày nghỉ lễ, ngày  nghỉ có hưởng lương theo quy định thì mức bồi dưỡng được tính bằng 03 lần mức bồi dưỡng giám định tư pháp tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg.

2.2. Mức bồi dưỡng theo vụ việc giám định (Điều 3)

Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được áp dụng đối với giám định trên người sống và trên tử thi trong lĩnh vực pháp y.

Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định trên người sống gồm có ba mức như sau:

– Mức 160.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với khám chuyên khoa sâu ở các chuyên khoa;

– Mức 200.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với khám tổng quát;

– Mức 300.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với trường hợp hội chẩn chuyên môn sâu do người giám định tư pháp là chuyên gia ở các chuyên khoa thực hiện.

            Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định tử thi mà không mổ tử thi và tử thi không được bảo quản theo đúng quy chuẩn hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên gồm có ba mức như sau:

– Mức 600.000 đồng/tử thi đối với người chết trong vòng 48 giờ;

– Mức 800.000 đồng/tử thi đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày;

– Mức 1.000.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày.

Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định mổ tử thi mà tử thi không được bảo quản theo đúng quy chuẩn hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên gồm có bốn mức như sau:

– Mức 1.500.000 đồng/tử thi đối với người chết trong vòng 48 giờ;

– Mức 2.500.000 đồng/tử thi đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày;

– Mức 3.000.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày;

– Mức 4.500.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày và phải khai quật.

Trong trường hợp tử thi được bảo quản theo đúng quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành thì người giám định tư pháp được hưởng 75% mức bồi dưỡng giám định tương ứng quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 của Điều 3.

Khi thực hiện giám định pháp y về tử thi quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 3 mà đối tượng giám định bị nhiễm HIV/AIDS, mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm hoặc phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm thuộc nhóm A, nhóm B quy định tại Điểm a  và Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải tiếp xúc với chất phóng xạ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất ban hành kèm theo Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Nghị định số 26/2011/NĐ-CP, chất độc hại, nguy hiểm khác theo quy định của pháp luật có liên quan, thì áp dụngmức bồi dưỡng cao nhất quy định tại Điểm c Khoản 3 hoặc Điểm d Khoản 4 Điều 3 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg.

Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định hài cốt gồm có hai mức như sau:

  1. a) Mức 3.000.000 đồng/hài cốt;
  2. b) Mức 4.000.000 đồng/hài cốt trong trường hợp phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm thuộc nhóm A, nhóm B quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải tiếp xúc với chất phóng xạ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, hóa chấtnguy hiểm thuộc danh mục hóa chất ban hành kèm theo Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Nghị định số 26/2011/NĐ-CP,chất độc hại, nguy hiểm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
  3. Mức bồi dưỡng đối với người giúp việc cho người giám định tư pháp; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi

Người giúp việc cho người giám định tư pháp được quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg được hưởng bằng 70% mức bồi dưỡng mà người giám định tư pháp được hưởng.

Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được quy định tại Khoản 3 Điều 1 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg được hưởng bằng 30% mức bồi dưỡng mà người giám định tư pháp được hưởng. So với Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg thì mức bồi dưỡng của những người tiến hành tố tụng này không còn ở mức 50% mà giảm xuống chỉ còn 30%, tuy nhiên, mức bồi dưỡng mà người giám định tư pháp được hưởng đã tăng thì về cơ bản, tiền bồi dưỡng cụ thể mà những người này vẫn như hiện hành.

  1. Nguồn kinh phí và nguyên tắc chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp

Điều 5 của Quyết định đã quy định nguồn kinh phí và nguyên tắc chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp như sau:

Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ án hình sự hoặc vụ việc giám định do cơ quan điều tra có thẩm quyền trưng cầu do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Hằng năm, cơ quan tiến hành tố tụng phải lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phát kinh phí bảo đảm chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp. Việc sử dụng kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu theo yêu cầu của đương sự do đương sự chi trả theo quy định của pháp luật về tố tụng, chi phí giám định, định giá trong tố tụng.

Cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm tạm ứng tiền bồi dưỡng giám định khi trưng cầu giám định và phải thanh toán tiền bồi dưỡng giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

  1. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước

Để bảo đảm việc triển khai, tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp được thuận lợi và có hiệu quả trên thực tế, Điều 6 của Quyết định đã có quy định cụ thể về trách nhiệm của các Bộ, ngành như sau:

Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp ở các Bộ, ngành và địa phương; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc triển khai thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; sơ kết, tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, quy định áp dụng đối với từng loại việc giám định và xác định thời gian, số người làm giám định đối với từng loại việc giám định ở lĩnh vực giám định do Bộ, ngành mình quản lý; tổ chức thực hiện, kiểm tra về tình hình thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình và hằng năm gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành khác có liên quan quy định về thành phần, số lượng người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi quy định tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành khác có liên quan hướng dẫn về căn cứ, thủ tục lập dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng; hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ thanh toán chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo quy định của Quyết định này; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành khác có liên quan kiểm tra tình hình dự toán, cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp ở các Bộ, ngành và địa phương.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cơ quan liên quan có trách nhiệm lập dự toán, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phát và bảo đảm kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp do các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc ngành mình trưng cầu.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra tình hình thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp ở địa phương mình và hàng năm báo cáo Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 01/2014/QĐ-TTg

Các tin liên quan
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH THANH HÓA

Bản quyền sử dụng: Sở Tư pháp Thanh Hóa

Địa chỉ: 34 Đại lộ Lê Lợi, Thành phố Thanh Hoá

ĐT: 02373.852.763; Fax: 02373.751.584

Chịu trách nhiệm: Ông Bùi Đình Sơn – Giám đốc Sở Tư Pháp

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa