Sáng 14/01/2022, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa...
Sáng 14/01/2022, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có đại điện Văn phòng UBND tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ; Ban Chấp hành Hội công chứng viên tỉnh; Trưởng các tổ chức hành nghề công chứng; đồng chí Lê Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị

Đ/c Lê Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì tại điểm cầu Thanh Hóa
Luật Công chứng được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng, hoạt động công chứng đã thu được kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở – lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp; không thể phủ nhận công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu công việc cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.
Hiện nay, hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm “trung tâm” phục vụ. Các Văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Các Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng hoặc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính cũng đã góp phần giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách nhà nước, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Toàn cảnh Hội nghị
Thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng cùng các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về vị tri, vai trò của nghề công chứng, công chứng viên trong việc đảm bảo an toàn pháp lý đối với các hợp đồng, giao dịch. Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền để chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Công chứng và các quy định có liên quan như: Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình… tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, cơ sở áp dụng thống nhất trong hoạt động công chứng. Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên. Tăng cường kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng. Nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên…
BTTP