Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định

Sáng 18-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (gọi tắt là Luật Giám định tư pháp năm...

Sáng 18-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (gọi tắt là Luật Giám định tư pháp năm 2020) với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và UBND, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị

Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Hoằng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Qua hơn 7 năm thi hành Luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn, nhờ đó, thể chế về giám định tư pháp ngày càng được hoàn thiện; hệ thống tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển. Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng trong tình hình mới còn bộc lộ nhiều bất cập, như: Luật năm 2012 và pháp luật về tố tụng quy định chưa đầy đủ; Trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cá nhân, cơ quan, tổ chức chưa rõ ràng; Cơ chế tài chính hiện hành về chi phí giám định…

Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Hoằng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị

Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và đặc biệt để đáp úng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 10-6-2020, có hiệu lực từ 1-1-2021. Luật sửa đổi, bổ sung các điều, khoản  của Luật Giám định tư pháp năm 2012 cụ thể như: Bổ sung 1 điều mới (Điều 26a về thời hạn giám định); sử đổi, bổ sung 8 điều (Điều 10, Điều 20, Điều 24, Điều 25, Điều 31, Điều 32, Điều 36, Điều 41); bổ sung 4 khoản, sửa đổi, bổ sung 22 khoản; bổ sung 4 điểm và sửa đổi, bổ sung 9 điểm.

Trên cơ sở đó, những nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung của Luật Giám định tư pháp năm 2020 như: phạm vi của giám định tư pháp; bổ sung tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực khoa học hình sự đó là Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; trưng cầu giám định và thời hạn giám định tư pháp; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp….

Toàn cảnh Hội nghị

Với tính chất đặc thù và thực tiễn công tác giám định tư pháp, để triển khai có hiệu quả Luật này, ngày 24 – 9 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1450/QĐ – TTg về kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2020 với 9 nhóm nhiệm vụ: Tổ chức quán triệt việc thi hành và phổ biến nội dung của Luật; Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan tới giám định tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật…

Tại hội nghị các đại biểu tại các điểm cầu đã cũng đã trao đổi, thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Giám định tư pháp.

                     Trần Vân     

Các tin liên quan
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH THANH HÓA

Bản quyền sử dụng: Sở Tư pháp Thanh Hóa

Địa chỉ: 34 Đại lộ Lê Lợi, Thành phố Thanh Hoá

ĐT: 02373.852.763; Fax: 02373.751.584

Chịu trách nhiệm: Ông Mai Xuân Bình – Giám đốc Sở Tư Pháp

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa