Thực hiện Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác về rà soát văn bản quy phạm pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Công văn số 1172/VPCP-PL ngày 24/02/2022 của Văn phòng Chính phủ về định hướng hoạt động năm 2022 của Tổ công tác, ngày 21/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Tổ trưởng Tổ công tác đã ký Quyết định số 689/QĐ-TCT ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Tổ công tác và Quyết định số 696/QĐ-TCT ngày 22/4/2022 phân công thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc và Bộ phận thường trực tham gia các Nhóm rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Tổ công tác.
Tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả, chất lượng công tác rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật
Theo Kế hoạch, năm 2022, Tổ công tác sẽ tập trung thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Trọng tâm là các nhiệm vụ rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo kiến nghị của Đảng đoàn Quốc hội tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 ngày 21 tháng 10 năm 2021; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2021, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Công văn số 8509/VPCP-PL ngày 03 tháng 11 năm 2011 và các văn bản khác có liên quan.
Chủ động tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành
Tại Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Tổ công tác đã xác định
05 nhóm vấn đề mang tính liên ngành sẽ được Tổ công tác tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu, bao gồm:
– Rà soát quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị (Nhóm 1), cụ thể: Rà soát quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị (bao gồm cả nội dung cụ thể liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội). Nhóm này do thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Xây dựng làm Trưởng nhóm và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ.
– Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với một số nội dung cụ thể tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Đảng đoàn Quốc hội liên quan đến các luật: Bộ luật Dân sự, Luật Dầu khí, Luật Thủy lợi (Nhóm 2). Nhóm này do thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Tư pháp làm Trưởng nhóm và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ.
– Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với một số nội dung cụ thể tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Đảng đoàn Quốc hội liên quan đến các luật: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Phí và Lệ phí; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Điện lực (Nhóm 3). Nhóm này do thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ.
– Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với các nội dung cụ thể tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Đảng đoàn Quốc hội liên quan đến các luật: Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch (Nhóm 4). Nhóm này do thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng nhóm và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ.
– Rà soát quy định pháp luật về đấu giá tài sản (Nhóm 5). Nhóm này do thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Tư pháp làm Trưởng nhóm và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của Trưởng nhóm, Thư ký và các thành viên khác của Nhóm rà soát độc lập, chuyên sâu được phân công cụ thể tại Quyết định số 696/QĐ-TCT ngày 22/4/2022 của Tổ trưởng Tổ công tác.
Bên cạnh đó, Tổ công tác sẽ tổng hợp, hoàn thiện, cho ý kiến về kết quả rà soát quy định pháp luật có sơ hở, bất cập liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán… tiềm ẩn nguy cơ làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực thi do các bộ, cơ quan ngang bộ được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phân công nhiệm vụ theo Công văn số 1906/VPCP-V.I ngày 29/3/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng báo cáo rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường các hoạt động khảo sát, đối thoại, tham vấn rộng rãi và thực chất đối tượng điều chỉnh của pháp luật để kịp thời nắm bắt, tiếp nhận kiến nghị, phản ánh về vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật
Đây là một trong những yêu cầu và nhiệm vụ tại Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Tổ công tác. Dự kiến trong năm 2022, Tổ công tác sẽ tổ chức các đoàn khảo sát kết hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến, nắm bắt, tiếp nhận các thông tin phản ánh về nhóm văn bản quy phạm pháp luật mẫu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn tại một số địa phương và các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề. Việc tổ chức các hoạt động này nhằm kịp thời tiếp nhận, trao đổi, thảo luận về các phản ánh về vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật cũng như giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật phát sinh trong quá trình rà soát văn bản.
Để thực hiện hiệu quả các hoạt động năm 2022, Tổ công tác đã đặt ra yêu cầu về việc phát huy vai trò chủ động, tích cực của các thành viên và bám sát, thường xuyên cập nhật các yêu cầu, nhiệm vụ về rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận số 83-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20 tháng 10 năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của Đảng đoàn Quốc hội; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và các văn bản liên quan; yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về rà soát, hoàn thiện pháp luật./.
Theo: moj.gov.vn
File đính kèm