Lần đầu tiên công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được ghi nhận và đánh giá cao trong Văn kiện Đại hội XIII Đảng: “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát...
Lần đầu tiên công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được ghi nhận và đánh giá cao trong Văn kiện Đại hội XIII Đảng: “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh” (Tập II, trang 31), đây là ghi nhận quan trọng của Đảng và Nhà nước đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do ngành Tư pháp nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng thực hiện quản lý nhà nước trên toàn quốc và chủ trì thực hiện trong thời gian qua. Tổng kết 10 năm (năm 2010-2020) công tác này[1], cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nhận định: “công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã tạo được dấu ấn của Bộ Tư pháp trong cộng đồng doanh nghiệp”. Trên cơ sở Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới do Bộ Tư pháp quản lý và chủ trì thực hiện trên phạm vi cả nước báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngày 29/7/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 64/2021/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư này có hiệu lực chính thức kể từ ngày 01/10/2021. Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đây là văn bản quan trọng làm cơ sở pháp lý cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như các bộ, ngành và sở ban ngành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có liên quan thực hiện lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước[2], trong đó hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được đánh giá là hình thức hỗ trợ quan trọng xuyên xuốt 07 hình thức hỗ trợ của Nhà nước được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
Thông tư số 64/2021/TT-BTC được ban hành xác định nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: (i) Nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước; (2) Nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật; và (3) Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Các nội dung và mức chi chung phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi thực hiện theo quy định hiện hành, gồm: Kinh phí tổ chức các hội nghị chuyên môn, hội nghị sơ kết và tổng kết; hội nghị tập huấn; công tác phí trong nước; đi công tác nước ngoài; chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; chi làm đêm, thêm giờ phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi hoạt động kiểm tra, giám sát. Ngoài các nội dung chi nêu trên, Thông tư này quy định một số nội dung và mức chi cụ thể như: (1) Chi xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng các dữ liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (2) Chi hoạt động cung cấp thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa; (3) Chi tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư vấn viên pháp luật; cho các đối tượng của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (4) Chi tổ chức đối thoại, diễn đàn tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (5) Chi mua các ấn phẩm, sách, tài liệu tuyên truyền phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; và (6) Chi xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi làm căn cứ để các Bộ, cơ quan ngang bộ lập dự toán chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định việc ban hành mức chi cụ thể từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc ban hành mức chi cụ thể cho phù hợp để thực hiện ở địa phương.
Theo: moj.gov.vn
[1] Do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 25/12/2020 tại Hà Nội tổng kết 10 năm Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2020.
[2] Ngày 13/7/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có kiến nghị gửi Chính phủ đề xuất các nhóm giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.