Ngày 31 tháng 12 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BTP quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Thông tư...
Ngày 31 tháng 12 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BTP quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Thông tư gồm có 12 Điều, 03 Chương, cụ thể: (i) Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 3); (ii) Chương II: Chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp (từ Điều 4 đến Điều 10); (iii) Chương III: Điều khoản thi hành (từ Điều 11 đến Điều 12). Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.
Thông tư quy định về nguyên tắc ban hành chế độ báo cáo, thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi báo cáo, hình thức và phương thức gửi báo cáo định kỳ; việc chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo; đề cương báo cáo kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, hằng năm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Quá trình xây dựng và ban hành Thông tư bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu và quy định tại Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” và Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện báo cáo định kỳ, bảo đảm chế độ báo cáo định kỳ được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình, đề cương báo cáo và thời hạn gửi báo cáo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác báo cáo theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực.
Thông tư có một số nội dung nổi bật như sau:
Thứ nhất, thiết lập các quy định khung, tạo căn cứ pháp lý thống nhất để quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp theo hướng đổi mới, hợp lý và giảm gánh nặng hành chính trong công tác báo cáo; đảm bảo công tác báo cáo được thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. Báo cáo định kỳ được thể hiện bằng hình thức văn bản có chữ ký số và phương thức gửi qua hệ thống phầm mềm như: Gửi qua Hệ thống văn bản và Điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tư pháp kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia do Văn phòng Chính phủ xây dựng và gửi qua thư điện tử.
Thứ ba, lồng ghép các chế độ báo cáo định kỳ của các lĩnh vực vào báo cáo kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và hằng năm nhằm giảm số lượng báo cáo cáo, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực.
Thứ tư, hướng dẫn đề cương Báo cáo kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và kết quả công tác tư pháp hằng năm đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, việc thực hiện chế độ báo cáo này được sử dụng số liệu thống kê theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp để tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị thực hiện báo cáo.
Thứ năm, Bộ Tư pháp công bố Danh mục chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp trên Cổng thông tin điện tử theo quy định. Tổ chức rà soát thường xuyên các chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ để sửa đổi, bổ sung và công bố kịp thời Danh mục báo cáo khi có sự thay đổi.
Thứ sáu, đề cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin báo cáo đảm bảo kịp thời, chính xác, đầy đủ phục vụ hiệu quả cho hoạt động theo dõi, quản lý, chỉ đạo và điều hành.
Theo moj.gov.vn