Để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng,...
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, trên cơ sở kết quả tổng kết 08 năm thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật (Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg), ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Bên cạnh việc kế thừa các quy định còn phù hợp của Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg có các nội dung mới sau đây:
1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Quyết định này đã bổ sung, quy định rõ Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; quy định xây dựng Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo (xã đặc biệt khó khăn) và Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Về Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia: Đây là mô hình Tủ sách pháp luật mới ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác, sử dụng sách, tài liệu pháp luật, gắn với mục tiêu, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; liên kết, trích xuất với các cơ sở dữ liệu về pháp luật, thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật. Quyết định quy định Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia được xây dựng để sử dụng chung trên cả nước. Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng, quản lý thống nhất Tủ sách điện tử quốc gia theo hướng tích hợp với Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, bảo đảm thuận tiện, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật của cá nhân, tổ chức. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương (bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) được cấp tài khoản, phân quyền quản lý dữ liệu thành phần của Tủ sách theo chức năng và phạm vi quản lý.
Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia có sách, tài liệu pháp luật được lưu giữ, quản lý dưới dạng số; được khai thác thông qua truy cập máy tính, các thiết bị điện tử, mạng viễn thông và được vận hành, sử dụng từ năm 2021.
3. Về quản lý thống nhất sách, tài liệu pháp luật tại cơ sở
Quyết định xác định nguyên tắc thống nhất quản lý, khai thác sách, tài liệu của Tủ sách pháp luật và sách, tài liệu pháp luật của Thư viện xã, điểm Bưu điện – Văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng hiện có trên địa bàn; gắn kết với khai thác, sử dụng sách, tài liệu pháp luật của Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn để bảo đảm khai thác, sử dụng sách, tài liệu tiết kiệm, hiệu quả.
4. Về kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật
Kinh phí xây dựng Tủ sách pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên được giao hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có). Kinh phí xây dựng, vận hành Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia được lồng ghép với kinh phí duy trì hoạt động của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện có và kinh phí thực hiện các chương trình, đề án có nội dung ứng dụng công nghệ thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật. Định mức kinh phí tối thiểu hằng năm cho mỗi Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân được tăng từ 02 triệu đồng/năm/tủ sách lên 03 triệu đồng/năm/tủ sách. Kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn do ngân sách địa phương bảo đảm; khuyến khích ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện hỗ trợ xây dựng, bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối được ngân sách thì sử dụng nguồn thu ngân sách của địa phương để chi xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật. Đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để chi xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật trong nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương.
5. Về Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân
Quyết định quy định các loại sách, tài liệu pháp luật của Tủ sách pháp luật, trong đó Công báo không phải là tài liệu pháp luật bắt buộc có trong Tủ sách pháp luật và giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn các sách, tài liệu pháp luật khác để phù hợp với đặc thù của từng địa phương, cơ sở. Người phụ trách Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bố trí, phân công trong số công chức chuyên môn của Ủy ban nhân dân xã, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.
Quyết định chủ trương khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia đóng góp, tài trợ kinh phí, sách, tài liệu phục vụ xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; xây dựng, quản lý, đóng góp và mở rộng Tủ sách tự quản ở cộng đồng.
6. Về trách nhiệm thực hiện và quy định chuyển tiếp
Bộ Tư pháp được giao chủ trì, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quyết định trên phạm vi cả nước. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện Quyết định theo chức năng và phạm vi quản lý.
Đối với Tủ sách pháp luật không thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả, xác định nhu cầu khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật cấp xã, Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đã được xây dựng theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg. Nếu tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật cấp xã, Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, Quyết định quy định thời hạn duy trì và lộ trình triển khai xã hội hóa việc quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Nếu không tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật cấp xã, Quyết định quy định việc sáp nhập và lộ trình sáp nhập Tủ sách pháp luật thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của Thư viện hoặc điểm Bưu điện – Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng hiện có đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn cấp xã. Nếu không tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị thì tổ chức lưu giữ, quản lý các sách, tài liệu pháp luật hiện có phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị theo quy định về quản lý tài sản công.
Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2019. Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành.