1. Chuyển đổi số trong PBGDPL là gì ?
Chuyển đổi số (digital transformation) hiện nay là một khái niệm vô cùng quen thuộc với chúng ta. Có nhiều cách tiếp cận và đưa ra khái niệm về chuyển đổi số. Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tái cấu trúc tư duy về việc phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người để nhằm tạo ra nhiều giá trị mới.
Theo “Cẩm nang chuyển đổi số” do bộ Thông tin và Truyền thông phát hành (
https://dx.mic.gov.vn/) thì “Chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình hoạt động dựa trên công nghệ số, dữ liệu số. Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư về bản chất là một, là giống nhau….Công nghệ số, hiểu theo nghĩa hẹp là một bước phát triển cao hơn, là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn với chi phí rẻ hơn. Còn hiểu theo nghĩa rộng, công nghệ số là một trong các nhóm công nghệ chính của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với đại diện là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo… Cách hiểu theo nghĩa rộng phổ biến hơn”.
Như vậy, theo cách hiểu của cá nhân tôi, chuyển đổi số là hoạt động của một tổ chức, một cộng đồng thậm chí là một cá nhân vừa bao gồm, vừa thể hiện được các yếu tố cơ bản sau:
– Là sự thay đổi tư duy của người thực hiện (đối với tổ chức, đó chính là sự thay đổi nhận thức, tư duy của những người đứng đầu).
– Quy trình, cách làm được thay đổi một cách căn bản, tổng thể trên cơ sở ứng dụng công nghệ số (trí tuệ nhân tạo – AI; điện toán đám mây – icloud; Internet kết nối vạn vật – IoT, dữ liệu lớn – Big data…). Ví dụ: việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin cá nhân. Trước đây, người dân phải cung cấp các giấy tờ để chứng minh thông tin cá nhân; tiếp đến giai đoạn người dân có thể kê khai trên hệ thống/mạng của cơ quan giải quyết và sao chụp giấy tờ gửi kèm theo. Nhưng hiện nay, với Cơ sở dữ liệu về dân cư, căn cước, mã định danh cá nhân, người dân không phải xuất trình hay kê khai các thông tin cơ bản về cá nhân nữa. Đó chính là bước chuyển đổi số liên quan đến thủ tục hành chính gắn với yêu cầu chứng minh thông tin cá nhân.
– Quá trình giám sát, kiểm duyệt sản phẩm (trong đó có sản phẩm của các cơ quan nhà nước như các quyết định, chính sách công…) được thực hiện trên cơ sở công nghệ số, bảo đảm tính chính xác, minh bạch, kịp thời…
– Các chủ thể tham gia vào quy trình từ khi tạo sản phẩm đến thụ hưởng, sử dụng sản phẩm đều phải được “số hóa” nghĩa là biết sử dụng công nghệ số để thực hiện công việc theo yêu cầu hoặc xuất phát từ nhu cầu của chính họ. Ví dụ: khi xây dựng, ban hành một chính sách, các cơ quan chủ trì có thể sử dụng dữ liệu để tham khảo, nghiên cứu và xây dựng dự thảo chính sách. Tiếp đến, người có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để đo lường mức độ đồng thuận của người dân với nội dung dự thảo chính sách đó; đồng thời kết hợp sử dụng phần mềm để kiểm soát quá trình tiếp thu, xử lý phản hồi từ xã hội….
Đó là những nét cơ bản, sơ khai của chuyển đổi số nói chung. Vậy thì, chuyển đổi số đối với lĩnh vực, hoạt động PBGDPL có thể được hiểu như thế nào?. Chuyển đổi số trong PBGDPL là việc thay đổi toàn diện quá trình tổ chức quản lý và thực hiện hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, giáo dục ý thức pháp luật mà trong đó người dân được đặt vào vị trí trung tâm thông qua nền tảng, công nghệ số từ việc xây dựng dữ liệu đến kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin pháp luật một cách chính thống, đầy đủ, kịp thời, thuận lợi trên môi trường internet.
Để giúp chúng ta hình dung rõ hơn tiến trình chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, tôi có thể trích dẫn một ví dụ dưới đây
[1] (có thể liên hệ trực tiếp với công tác PBGDPL):
“Britannica là một công ty kinh doanh theo mô hình bán sách bách khoa toàn thư có chất lượng nội dung cao, phục vụ giáo dục. Britannica đã có gần 250 năm tồn tại bằng cách bán bộ sách bìa bọc da dày 32 tập. Britannica ứng dụng công nghệ thông tin bằng cách số hóa tài liệu của mình và xuất bản dưới dạng đĩa CD. Còn khi thực hiện chuyển đổi số, Britannica đã dừng xuất bản sách, dừng in đĩa CD, thay đổi mô hình kinh doanh bán sản phẩm thành mô hình kinh doanh bán dịch vụ truy cập trực tuyến đến kho nội dung của mình. Trong suốt quá trình đó, Britannica vẫn giữ được sứ mạng cốt lõi là chất lượng nội dung cao, phục vụ giáo dục”.
Có nhiều người hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số trong cung cấp thông tin pháp luật, giáo dục hiểu biết và ý thức pháp luật là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho hỏi đáp trực tuyến, tự động (học máy). Tuy nhiên, qua ví dụ trên cũng như nhìn vào bản chất của hoạt động PBGDPL, chúng ta thấy chuyển đổi số trong PBGDPL không phải như vậy vì PBGDPL không chỉ là sự cung cấp thông tin pháp luật một chiều thuần túy mà còn phải có quá trình tương tác, thu nhận câu hỏi, phân tích, trả lời, hướng dẫn, tổng hợp các vấn đề mà người dân cần giải quyết trên cơ sở nắm rõ quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức liên quan…Vì vậy, trí tuệ nhân tạo, chatbot chỉ là công cụ hỗ trợ, sàng lọc, phân loại một cách tương đối các câu hỏi hay các vấn đề theo một sự lập trình sẵn, không thể thay thế con người trong tương tác thông tin pháp luật. Ngay cả công nghệ “chatGPT” mới đây, với hàng trăm tỷ thông tin trong kho dữ liệu cũng không thể thay con người khi hướng dẫn, phân tích các tình huống pháp lý mà người dân yêu cầu hỗ trợ.
Do đó, chuyển đổi số trong PBGDPL luôn phải được hiểu là sự thay đổi quá trình thực hiện các hoạt động tương tác thông tin pháp luật của con người trên cơ sở có sự hỗ trợ của công nghệ số chứ không phải sự thay thế từ người sang công nghệ học máy, tự động, bao gồm các nội dung chính như sau:
– Xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (big data) về thông tin pháp luật phục vụ cho hoạt động PBGDPL bao gồm: thông tin pháp luật thực định; thông tin các tình huống pháp lý phổ biến; hỏi-đáp pháp luật; các vấn đề vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật; giải pháp phản ứng chính sách của Nhà nước đối với các vấn đề xã hội quan tâm… Các thông tin pháp luật nói trên được hình thành từ trung ương đến cơ sở trên phạm vi cả nước.
– Xây dựng hệ các phần mềm ứng dụng, nền tảng số, kể cả việc sử dụng các mạng xã hội có sẵn để tương tác, kết nối, chia sẻ thông tin pháp luật theo nhu cầu của người dân; bảo đảm thông tin “sống, sạch, đúng, đủ” và kịp thời, thân thiện, dễ khai thác, dễ tìm hiểu, vận dụng (chatbox, chatbot, các ứng dụng trên các thiết bị moblie…); mạng xã hội…
– Xây dựng các công cụ, ứng dụng để có thể đánh giá, đo lường mức độ quan tâm, tương tác thông tin pháp luật của các nhóm chủ thể khác nhau đối với các nội dung pháp luật khác nhau (ví dụ: chúng ta có thể đo thời gian tìm hiểu một quy định pháp luật nào đó của người dân trên một địa bàn cụ thể; xác định được thông tin pháp luật nào người dân đang quan tâm nhất; thời gian phù hợp để gửi thông tin pháp luật cho một nhóm chủ thể nhất định để đạt hiệu quả cao nhất…).
– Đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực phục vụ thực hiện chuyển đổi số (gọi là nhân lực số) bên cạnh việc hỗ trợ, tạo thói quen cho người dân khi khai thác, tìm hiểu thông tin pháp luật trên cơ sở sử dụng công nghệ số (điện thoại thông minh, kết nối internet, mạng xã hội…).
2.Thời cơ và những thách thức
Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ta thể hiện rất rõ quyết tâm chính trị trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia nói chung, công tác pháp luật nói riêng trong đó có PBGDPL thông qua việc ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp theo đó là Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đặc biệt là Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021” ban hành kèm theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Về thực tiễn, đa số người dân, tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước đã tham gia quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số: sử dụng smartphone, mạng xã hội
(tại Việt Nam hiện nay có tổng số trên 93,5 triệu thuê bao di động sử dụng smartphone và ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone đạt khoảng 73,5%. Số người dùng mạng xã hội khoảng 78% nằm trong top cao của thế giới). Công tác PBGDPL đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực tế trên các nền tảng công nghệ với nhiều hình thức đa dạng, thu hút được sự tham gia của người dân trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Tư pháp đang chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng và vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia
[2] là kho dữ liệu, tài nguyên số dùng chung của cả nước phục vụ công tác PBGDPL và nhu cầu tìm hiểu thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những thời cơ thuận lợi nêu trên, Việt Nam chúng ta vẫn còn đó những thách thức và khó khăn cơ bản trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL như:
– Tư duy, ý thức của một số người đứng đầu các cơ quan, tổ chức về chuyển đổi số trong PBGDPL chưa rõ ràng, chưa có quyết tâm chính trị để thay đổi toàn diện hoạt động PBGDPL;
– Cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng công nghệ còn thiếu thốn ở những vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
– Nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số cũng chưa sẵn sàng trên phạm vi toàn quốc, thậm chí còn thiếu và yếu.
– Người dân chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất (công cụ, thiết bị), hạ tầng kỹ thuật bảo đảm để kết nối, sử dụng các dịch vụ số do các cơ quan Nhà nước và các tổ chức khác cung cấp (theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, tỷ lệ người dân chưa có internet và điện thoại thông minh vẫn còn cao).
3.Những giải pháp bước đầu trong thời gian tới
Với triết lý của sự thành công trong chuyển đổi số cần phải đi từ nhận thức, thái độ rồi đến yếu tố kỹ thuật và kỹ năng cùng với những phân tích nêu trên trong đó đã chỉ ra thuận lợi, khó khăn và thách thức nhất định của chúng ta hiện nay, thời gian tới, theo tôi, chúng ta cần quan tâm thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
– Thống nhất nhận thức về chuyển đổi số trong PBGDPL (vấn đề nhận thức).
– Hoàn thiện chính sách, thể chế về chuyển đổi số trong đó có PBGDPL.
– Hình thành hệ thống, kho dữ liệu thông tin pháp luật; các nền tảng, ứng dụng phục vụ chia sẻ, khai thác thông tin pháp luật (xây dựng, củng cố công cụ số – yếu tố kỹ thuật).
– Đào tạo nguồn nhân lực (yếu tố kỹ năng – với sự xác định rõ đặc thù của thông tin pháp luật, yếu tố con người không thể thay thế; công nghệ AI hay gần đây là chatGPT chỉ là công cụ hỗ trợ, tham khảo), bố trí kinh phí thực hiện.
– Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá thông qua công nghệ số (đổi mới quản lý nhà nước thông qua công nghệ số).
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp ban đầu mà chúng ta cần xác định khi thực hiện chuyển đổi số công tác PBGDPL với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Việc thực hiện chuyển đổi số công tác PBGDPL cần phải được triển khai toàn diện, nhưng phải có lộ trình thích hợp, bảo đảm tính thực chất, tiết kiệm, hiệu quả theo nguyên lý “vết dầu loang” trên cơ sở tính toán kỹ yếu tố con người, văn hóa, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của từng vùng miền và cộng đồng người dân./.
TS Lê Vệ Quốc
Vụ Trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật