Một số điểm mới của Luật nuôi con nuôi năm 2010
Một số điểm mới của Luật nuôi con nuôi năm 2010
Một số điểm mới của Luật nuôi con nuôi năm 2010
Luật nuôi con nuôi đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ VII ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Luật gồm 5 chương, 52 điều, quy định chi tiết về nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về nuôi con nuôi. Theo đó Luật nuôi con nuôi có một số điểm mới cơ bản như sau:
- Thứ nhất về nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi: Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi thông qua việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi các bên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em được nhận làm con nuôi, bảo đảm trẻ em được yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình thay thế. Chính vì vậy tại Điều 4 - Luật nuôi con nuôi đã quy định rất rõ ràng về nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi: " Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc; Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội; Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước". Gia đình nơi trẻ em sinh ra được coi là môi trường lý tưởng nhất cho sự phát triển của trẻ em. Việc tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong cùng gia đình với những người có quan hệ huyết thống sẽ tạo điều kiện cho trẻ em có điều kiện để phát triển tốt nhất, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ trẻ em, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trong khi giải quyết việc nuôi con nuôi phải tôn trọng quyền trẻ em là được sống trong môi trường gia đình gốc; việc nuôi con nuôi chỉ là biện pháp thay thế gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ; ưu tiên giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước, việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng. Mặt khác trong quá trình nuôi con nuôi, lợi ích của trẻ em phải được tính đến trước tiên trong mối tương quan với lợi ích của cha mẹ nuôi. Việc nuôi con nuôi phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các bên liên quan, không phân biệt giữa người nhận con nuôi là nam hay nữ, đơn thân hay đã kết hôn; đồng thời không phân biệt giữa con nuôi là trai hay gái. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Công ước La Hay về nuôi con nuôi mà nước ta đang chuẩn bị tham gia.
- Thứ hai tại điều 11 - Luật nuôi con nuôi quy định: " 1. Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình.; 2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước". Đây là một trong những điểm mới của Luật nuôi con nuôi so với các quy định trước đây về nuôi con nuôi. Quy định này nhằm khẳng định và bảo vệ quyền được biết về nguồn gốc của mình của trẻ em được cho làm con nuôi, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có liên quan trong quan hệ nuôi con nuôi trong việc đảm bảo quyền được biết về nguồn gốc của trẻ em khi các em đến tuổi trưởng thành và có yêu cầu.
Quy định tại khoản 2 của Điều này vừa có tính chất bắt buộc vừa có tính chất kêu gọi, khuyến khích cha, mẹ nuôi là người nước ngoài tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi về thăm quê hương, tìm hiểu về nguồn gốc và bản sắc văn hóa dân tộc. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua đã có rất nhiều gia đình cha mẹ nuôi người nước ngoài đưa con nuôi Việt Nam về thăm lại cơ sở nuôi dưỡng, hay bệnh viện nơi trẻ em Việt Nam từng sống trước đó và đi thăm quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Đây là một nét đẹp cần phải được khuyến khích và duy trì.
- Thứ ba, về biện pháp bảo đảm việc nuôi con nuôi trong nước, tại Điều 15 - Luật Nuôi con nuôi cũng đã đưa ra quy định về việc tìm gia đình thay thế trong nước, nhằm bảo đảm trẻ em có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước. Việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em nhằm bảo đảm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (như trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...) có cơ hội được người trong nước nhận làm con nuôi, được nuôi dưỡng và lớn lên ngay trên đất nước mình. Từ đó, bảo đảm trẻ em có điều kiện hòa nhập tốt vào đời sống cộng đồng dân tộc, với bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo... của Việt Nam và trở thành công dân tốt cho xã hội. Đây cũng là mục tiêu chung trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan và thủ tục trong việc tìm mái ấm gia đình thay thế (tìm người nhận nuôi trong nước) cho trẻ em. Trước đây thủ tục này mới chỉ được quy định một cách hạn chế trong Thông tư 08/2006/TT-BTP ngày 26/12/2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các quy định về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và chỉ áp dụng chủ yếu đối với trẻ em bị bỏ rơi; còn các trường hợp khác thì không bắt buộc. Tuy nhiên, việc thông báo tìm mái ấm gia đình trong nước mới chỉ được thực hiện trên phạm vi một tỉnh trong thời hạn 30 ngày. Thời gian thông báo như vậy là quá ngắn, không đủ để những người có nhu cầu trong phạm vi toàn quốc có cơ hội nhận trẻ em làm con nuôi. Mặt khác Luật cũng quy định biện pháp tìm người nhận nuôi trong nước như một biện pháp bắt buộc, trước khi giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài và về nguyên tắc được áp dụng đối với mọi trẻ em. Đây là một bước tiến mới trong quy định pháp luật nhằm tăng cường nuôi con nuôi trong nước. Việc tìm mái ấm được thực hiện ở ba cấp: xã, tỉnh và trung ương. Ở cấp xã, việc tìm gia đình thay thế được thực hiện bằng cách niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân trong thời hạn 60 ngày; ở cấp tỉnh, được thực hiện bằng cách thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh trong thời hạn 60 ngày; ở Trung ương được thực hiện bằng việc đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Nếu hết thời hạn này mà không có người trong nước nhận làm con nuôi, thì trẻ em mới được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài. Quy định này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước đã được thừa nhận trong các Công ước quốc tế liên quan đến trẻ em, đặc biệt là Công ước Lahay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em không những thuộc về cha, mẹ, ông, bà, anh, chị ruột, hoặc người có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ khi họ không có khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc, mà còn là trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Điều 36 của Luật còn quy định, nếu hết thời hạn nêu trên, trẻ em đang được xem xét để giới thiệu cho làm con nuôi người nước ngoài nhưng Sở Tư pháp chưa giới thiệu cho người xin con nuôi cụ thể nào đó, mà có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì vẫn được xem xét giải quyết. Như vậy, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tạo cơ hội đến mức tối đa để tìm được mái ấm gia đình thay thế. Luật còn quy định công dân trong nước có nhu cầu và nguyện vọng nhận trẻ em làm con nuôi mà chưa xác định được trẻ em cần nhận làm con nuôi, thì có thể đăng ký nhu cầu với Sở Tư pháp nơi thường trú (Điều 16), nếu có trẻ em để giới thiệu thì Sở Tư pháp giới thiệu người đó đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú để xem xét giải quyết.
- Thứ tư: quy định về việc lấy ý kiến của những người liên quan (Điều 20 )
Đây là điểm hết sức mới trong quy định về nuôi con nuôi của Việt Nam, quy định cụ thể về phương thức lấy ý kiến của những người có liên quan đến việc nuôi con nuôi, đặc biệt là ý kiến của người được nhận nuôi trong trường hợp người được nhận làm con nuôi từ 9 tuổi trở lên. Quy định này nhằm bảo đảm quyền được thể hiện ý chí của các cá nhân liên quan đến việc nuôi con nuôi, cũng như bảo đảm ý kiến đưa ra phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của họ. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.
Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
Việc lấy ý kiến phải lập thành văn bản có đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người được lấy ý kiến.
- Thứ năm về vấn đề Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Tại điều 12 - Luật nuôi con nuôi quy định: Ngoài lệ phí đăng ký nuôi con nuôi mà người nhận nuôi con nuôi phải nộp theo quy định thì người nước ngoài không thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, bao gồm chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi, xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi, giao nhận con nuôi và thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng. Ngoài ra tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến nuôi con nuôi nước ngoài không được đặt ra bất kỳ khoản thu nào khác.
Trên thực tế việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài từ trước đến nay, các tổ chức con nuôi nước ngoài phải thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ nhân đạo cho các cơ sở nuôi dưỡng nơi tổ chức được cấp phép hoạt động. Trong hoạt động nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, các khoản hỗ trợ nhân đạo do các tổ chức con nuôi nước ngoài thực hiện thông qua các Văn phòng con nuôi nước ngoài đối với các cơ sở nuôi dưỡng là một lĩnh vực khó kiểm soát nhất đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, quy định hỗ trợ nhân đạo gắn liền với việc hỗ trợ giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là một quy định cho đến nay chứng tỏ không phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế về nuôi con nuôi. Thực tiễn quốc tế cho thấy, hoạt động nuôi con nuôi mà gắn liền với hỗ trợ nhân đạo dễ dẫn đến hiện tượng mua bán trẻ em. Công ước La Hay khuyến nghị các nước gốc hoặc nước nhận không nên lấy điều kiện hỗ trợ nhân đạo để quyết định việc giải quyết việc nuôi con nuôi.
Ở nước ta kể từ khi Nghị định 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, việc thực hiện quy định này đã gây ra những phức tạp nhất định trong quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Mọi vấn đề nhạy cảm đều phát sinh từ việc các cơ quan quản lý nhà nước của ta không kiểm soát nổi việc thực hiện các khoản hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức con nuôi nước ngoài, đồng thời không có quy định về mức hỗ trợ nhân đạo; điều này đã gây ra hiện tượng cạnh tranh có thể là không lành mạnh giữa các tổ chức con nuôi đó.
Nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của vấn đề tài chính trong hoạt động nuôi con nuôi, Luật một mặt vẫn kế thừa nguyên tắc thu lệ phí như pháp luật hiện hành đã quy định, mặt khác bảo đảm minh bạch hóa đối với phí giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Lục Thị Thuỷ