Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa

Bảo đảm an toàn thông tin cho chuyển đổi số

Sáng nay (25/11), Chương trình Hội thảo – triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021 lần thứ 14 được tổ chức trực tuyến, với điểm cầu chính tại Hà Nội do...

Sáng nay (25/11), Chương trình Hội thảo – triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021 lần thứ 14 được tổ chức trực tuyến, với điểm cầu chính tại Hà Nội do Cục An toàn thông tin (Bộ thông tin và truyền thông) phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA). Đây là sự kiện lớn trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) mạng tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) bảo trợ. Hội thảo có sự góp mặt của gần 1.000 khách tham dự phòng hội thảo online và 2.000 người theo dõi trực tiếp qua nền tảng mạng xã hội (trang facebook.com/vnisahn), với cả kênh tiếng Anh và tiếng Việt.
Tại điểm cầu Bộ Tư pháp có sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh; Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Tạ Thành Trung cùng đại diện Cục Công nghệ thông tin và Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021 tập trung vào phân tích thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ, giải pháp an toàn thông tin phục vụ cho chuyển đổi số và an toàn thông tin cho giai đoạn thích ứng với dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng – Chủ tịch VNISA đề cập đến những thách thức trong bảo đảm an toàn thông tin cho chuyển đổi số, đồng thời khẳng định trách nhiệm, nhiệm vụ của các doanh nghiệp ATTT, của Hiệp hội trong việc góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo dựng niềm tin số cho xã hội tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Muốn an toàn thì phải ý thức về sự không an toàn. Trung bình mỗi năm, mỗi người trên toàn cầu bị 3-4 cuộc tấn công mạng. Càng ý thức cao về sự không an toàn thì càng an toàn.
Chúng ta có trên 90 triệu máy điện thoại thông minh, hàng chục triệu PC, laptop, máy tính bảng. Nhưng đa số các thiết bị cá nhân này chưa được cài phần mềm bảo vệ. Chúng ta có gần 3 triệu camera và đã có những hình ảnh riêng tư bị lộ lọt trên mạng. Rất nhiều camera chưa được đánh giá an toàn thông tin và chưa được cài đặt chức năng bảo mật. Trên thế giới, mới có 60% dự án phát triển phần mềm áp dụng quy trình Phát triển – An toàn thông tin – Vận hành. Ở Việt Nam, con số này còn thấp hơn nhiều. Vì vậy mà còn rất nhiều những lỗi lập trình sơ đẳng đã gây mất an toàn thông tin nghiêm trọng. Nếu những phần mềm này là các nền tảng số quốc gia thì hậu quả là rất lớn.
“Lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong giai đoạn Covid vừa qua khi chuyển đổi số được thúc đẩy. Thế giới có hơn 2 triệu website lừa đảo. Ở Việt Nam, từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, Cục An toàn thông tin đã phát hiện và xử lý 816 website lừa đảo giả mạo ngân hàng. Nhưng muốn an toàn thì phải dùng nhiều hơn chứ không phải không dùng hay dùng ít đi. Lộ lọt thông tin vẫn có thể xảy ra. Nhưng cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro lại là tăng cường sử dụng công nghệ số chứ không phải là không dùng. Vì chúng ta không thể không dùng và cũng phải thông qua dùng thì vấn đề mới bộc lộ ra và từ đó mà hoàn thiện…”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Sự kiện có  3 chuyên đề và 1 tọa đàm, hội thảo có sự tham gia của gần 30 diễn giả là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ATTT cả trong và ngoài nước.
Trong đó, chuyên đề đầu tiên về “Bảo đảm ATTT cho chuyển đổi số”, đồng chí Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TT&TT đã trình bày tham luận vớ nội dung An toàn thông tin mạng cho chuyển đổi số-Một số vấn đề và giải pháp ATTT mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đáng chú ý, tại phiên chuyên đề này, ông Mikko Hypponen, chuyên gia quốc tế về ATTT, Giám đốc nghiên cứu F-Secure, người được mệnh danh là “huyền thoại bảo mật” thế giới đã có tham luận về vấn đề phòng chống tấn công mạng toàn cầu.
Trong chuyên đề 2 về “Bảo đảm ATTT cho các nền tảng công nghệ trong giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19 tại Việt Nam” của hội thảo Ngày ATTT năm nay, các tham luận xoay quanh những vấn đề về hợp tác và chia sẻ thông tin về tấn công mạng khu vực châu Á – Thái Bình Dương; bảo đảm ATTT cho điện toán đám mây, chống lại tấn công mạng vào chuỗi cung ứng toàn cầu; ATTT là động lực thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế hậu COVID-19… cùng những bài học kinh nghiệm do chuyên gia của các công ty đa quốc gia như: Kaspersky, Fortinet, IBM, Huawei trình bày.
Cũng trong sáng 25/11, dưới sự chủ trì của Cục ATTT, Bộ thông tin và truyền thông, các chuyên gia đến từ Viettel, FIS, CMC, McAfee cùng thảo luận về “Bảo đảm ATTT cho các nền tảng công nghệ phòng chống và thích ứng với dịch Covid-19: Những vấn đề thực tiễn”.
Chủ đề “Bảo đảm ATTT cho dữ liệu và giao dịch trực tuyến” là nội dung được các chuyên gia của các công ty công nghệ trong nước và quốc tế như FIS, VNPT-IT, Checkpoint, Samsung, Techdata, IBgroup VN, MK, Mi2… trao đổi trong phiên hội thảo chuyên đề vào buổi chiều. Phiên này do lãnh đạo Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), Cục A05 (Bộ Công an) và VNISA đồng chủ trì./.

Theo: moj.gov.vn
Các tin liên quan
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH THANH HÓA

Bản quyền sử dụng: Sở Tư pháp Thanh Hóa

Địa chỉ: 34 Đại lộ Lê Lợi, Thành phố Thanh Hoá

ĐT: 02373.852.763; Fax: 02373.751.584

Chịu trách nhiệm: Ông Bùi Đình Sơn – Giám đốc Sở Tư Pháp

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa