Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa

Chuyển đổi số ở Việt Nam – Người dân đang hưởng lợi

Tại Đà Nẵng, người dân làm thủ tục đăng ký mua điện chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Ở Lạng Sơn, các trưởng bản trở thành tổ trưởng tổ công nghệ...

Tại Đà Nẵng, người dân làm thủ tục đăng ký mua điện chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Ở Lạng Sơn, các trưởng bản trở thành tổ trưởng tổ công nghệ cộng đồng hướng dẫn bà con phát triển cửa hàng số, giúp doanh số bán nông sản online tăng 174 lần. Tại Quảng Ninh, chủ tịch tỉnh ngồi ở phòng làm việc có thể truy cập vào hệ thống và biết được quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên. Có thể nói, chuyển đổi số đang dần hiện diện trong mọi mặt đời sống ở Việt Nam…

Người dân hưởng lợi từ chuyển đổi số

Ông Trần Hữu Hiền ở quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng trước khi tiến hành xây nhà mới đã liên lạc qua kênh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của Điện lực Đà Nẵng để đăng ký mua điện. Và ông Hiền không tin vào mắt mình khi ngay ngày hôm sau, điện nhà ông đã sáng chỉ sau một vài thủ tục rất đơn giản.

“Sau khi đăng ký mua điện, tôi được nhân viên Điện lực liên hệ để xác định cụ thể địa điểm nhà tôi để lắp công tơ điện. Ngay ngày hôm sau, nhân viên đã đến lắp công tơ và ký Hợp đồng mua bán điện, thời gian từ lúc tôi đăng ký mua điện trên trang web đến khi có điện rất nhanh chóng, nhân viên Điện lực chỉ liên hệ 1 lần để trao đổi thông tin” – ông Hiền kể.

Chưa hết, ông Hiền còn được Điện lực Đà Nẵng đảm bảo là tới đây khi cần bổ sung hồ sơ, ông chỉ cần chụp hình và gửi file theo yêu cầu trên hệ thống, không mất thời gian photo, chứng thực cả đống giấy tờ như trước đây.

Ông Trần Hữu Hiền, là một ví dụ cho hơn 2 triệu dân Thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua đã được hưởng lợi rất lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không riêng gì làm hồ sơ cấp điện, từ công cuộc chuyển đối số của thành phố này.

Ngày 19.10 vừa qua, Đà Nẵng được xếp ở vị trí thứ nhất về chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2020 ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Địa phương này đã có nhiều sản phẩm chuyển đổi số nổi bật như: Egov Platform, Trục LGSP, Cổng dịch vụ công; hệ thống báo cáo điện tử, ứng dụng đa dịch vụ “DaNang samrt City”…

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Đà Nẵng, những gì vừa đạt được của Đà Nẵng về chuyển đổi số không phải là ngẫu nhiên. Mà nó được thuận lợi vận hành trên bệ phóng là Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Nghị quyết về phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin, triển khai chuyên đề tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng gắn với chính quyền điện tử, thành phố thông minh, xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Đà Nẵng, tất cả mới chỉ là bước đầu, bởi Đà Nẵng đang có tham vọng làm sao mô phỏng toàn bộ không gian thực vào không gian số để người dân và cộng đồng doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn nữa các tiện ích mà chuyển đổi số mang lại.

Còn nhiều chỉ số cần cải thiện

Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam – cho biết, quá trình xây dựng bộ chỉ số về chuyển đổi số (DTI) để đánh giá xếp hạng chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc. Ban tổ chức đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, lấy ý kiến rộng rãi, trao đổi thẳng thắn, lắng nghe và tiếp thu một cách hết sức cầu thị.

“Đối với các bộ ngành, địa phương chỉ số DTI còn thấp thì cần dựa vào bộ chỉ số DTI để thúc đẩy các chỉ số thành phần còn thấp, phát huy các chỉ số thành phần cao. Đối với các đơn vị ở vị trí cao như Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Bắc Ninh chưa thể nói vậy là tốt rồi. Các địa phương vẫn cần tiếp tục cải thiện bởi nhiều chỉ số thành phần vẫn còn chưa cao. Với các chỉ số thành phần cao rồi thì cũng chưa phải là đến điểm giới hạn. Yêu cầu của xã hội với công cuộc chuyển đổi số vẫn còn rất nhiều” – ông Nguyễn Minh Hồng nói với Lao Động.

Ví dụ, trong bộ chỉ số về chuyển đổi số của Đà Nẵng, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (người dân thanh toán lệ phí và nhận kết quả trực tuyến) mới đạt 75%, trong khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến của cả nước lên mức độ 4 trong năm 2021.

Bên cạnh đó, công nghiệp công nghệ thông tin của Đà Nẵng chiếm 7,5% GRDP, trong khi đó Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025. Số lượng người dân sử dụng điện thoại thông minh ở Đà Nẵng hiện đạt 91%. Các chỉ số này, địa phương đều có thể thúc đẩy và cải thiện trong thời gian tới.

Bài học thành công về chuyển đổi số ở Quảng Ninh

Trong danh sách xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số năm 2020, với 3 trụ cột chính: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, Quảng Ninh đứng thứ 4 trên toàn quốc. Trong đó, Chính quyền số đứng thứ 5, Xã hội số xếp thứ 3 và Kinh tế số đứng thứ 8.

Theo bà Lê Ngọc Hân – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, thành công bước đầu của chuyển đổi số ở Quảng Ninh có một số điểm sau: Điểm nổi bật nhất là Trung tâm phục vụ hành chính công, đã đem lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính. Thứ 2 là, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng Cổng dịch vụ công – giao tiếp trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Với Cổng này, Chủ tịch tỉnh ngồi ở phòng làm việc có thể truy cập vào hệ thống và biết được quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên, thậm chí cả tên của công chức được giao xử lý thủ tục đó. Người dân và doanh nghiệp cũng có thể xem được hồ sơ của mình được giải quyết đến đâu.

Nhờ kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, nên Thủ tướng Chính phủ cũng thể xem được hết 177 xã, phường, 13 huyện, thị, thành phố và các sở, ban, ngành ở Quảng Ninh về việc giải quyết các thủ tục hành chính như thế nào. Ngoài ra, hiện nay, Quảng Ninh công khai minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin, trao đổi trực tiếp với người dân, doanh nghiệp. Hiện, hầu hết các bệnh viện lớn ở Quảng Ninh đã có hệ thống y tế thông minh, nhờ đó, người bệnh hoàn toàn có thể được điều trị, phẫu thuật tại Quảng Ninh, với sự hỗ trợ của đội ngũ y tế từ tuyến Trung ương.

Tuy nhiên, so với Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng, Quảng Ninh còn rất nhiều điều phải học tập, nhất là về App công dân. Hiện, Quảng Ninh đã có App Smart Quảng Ninh nhưng chưa tích hợp được tất cả các ứng dụng, khiến người dân phải sử dụng thêm nhiều App khác; hoặc tiến trình xử lý đơn thư, ý kiến của người dân vẫn chậm và còn nhiều bước làm thủ công. Nguyễn Hùng

Chuyển đổi số ở Bắc Ninh – thành công từ mô hình thành phố thông minh

Trong BXH chuyển đổi số năm 2020, Bắc Ninh là 1 trong 3 tỉnh thành dẫn đầu cả nước. Theo ông Vương Quốc Tuấn – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh – đây là kết quả bước đầu trong quá trình chuyển đổi số của địa phương.

Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm xây dựng mô hình thành phố thông minh. Trung tâm điều hành, trung tâm dữ liệu, hệ thống camera, trung tâm an ninh mạng và các ứng dụng thông minh triển khai đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành của các cấp, các ngành.

Các sở chuyên ngành cũng đã tiến hành triển khai các đề án chuyên biệt hướng tới sự tiện lợi của người dân như: Trung tâm Điều hành giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, giao thông thông minh, hệ thống thu thập thông tin cảnh báo sớm.

Hệ thống thông tin một cửa điện tử tích hợp Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã đáp ứng đầy đủ các chức năng và yêu cầu kỹ thuật theo quy định. 8/8 UBND cấp huyện, 126/126 xã, phường, thị trấn được kết nối, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Toàn tỉnh thống nhất sử dụng duy nhất 1 phần mềm Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành giúp cán bộ, công chức, viên chức sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy, nâng cao hiệu quả làm việc, tiết kiệm các chi phí văn phòng. Trần Tuấn

Những bản chuyển đổi số ở Lạng Sơn

Lạng Sơn xếp thứ 16 cả nước trong BXH chuyển đổi số của cả nước. Ông Nguyễn Khắc Lịch – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn – cho biết, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số. Kinh tế số chiếm tỉ trọng 20% trong GRDP.

Theo ông Lịch, việc chuyển đổi số ở Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả đáng chú ý trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Như việc triển khai trợ lý ảo hỗ trợ cho cán bộ, người dân trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến; triển khai nền tảng cửa khẩu số, cấp chữ ký số miễn phí cho 100% giáo viên của tỉnh (khoảng 20.000 người), triển khai hỗ trợ 100% bệnh viện tuyến huyện có hệ thống hội chẩn từ xa…

Đặc biệt là việc thành lập các tổ công nghệ cộng đồng về từng thôn bản do các trưởng thôn, trưởng bản làm tổ trưởng để hướng dẫn bà con nông dân phát triển các cửa hàng số, bán nông sản online.

Hiện Lạng Sơn đã thành lập 2.312 Tổ công nghệ công đồng với 6.936 thành viên. Đồng thời, tỉnh đã phát triển 68.311 cửa hàng số cho hộ gia đình, nông dân (tăng gấp 68 lần so với thời điểm phát động có 1.000 cửa hàng) và 57.973 tài khoản thanh toán điện tử (tăng gấp 192 lần so với thời điểm phát động có 301 tài khoản); tổng doanh thu từ các cửa hàng số bán nông sản cũng tăng 174 lần so với thời điểm phát động vào tháng 7.2021.

Theo: moj.gov.vn

Các tin liên quan
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH THANH HÓA

Bản quyền sử dụng: Sở Tư pháp Thanh Hóa

Địa chỉ: 34 Đại lộ Lê Lợi, Thành phố Thanh Hoá

ĐT: 02373.852.763; Fax: 02373.751.584

Chịu trách nhiệm: Ông Bùi Đình Sơn – Giám đốc Sở Tư Pháp

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa