Một số điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực ngày 01/01/2024
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV ngày 15/6/2022, đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 thay thế Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013.
Luật thi đua khen thưởng năm 2022 bao gồm 8 chương, 96 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. So với những văn bản trước đây, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có sự điều chỉnh, bổ sung rất nhiều trong công tác thi đua, khen thưởng. Theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có một số điểm mới sau đây:
1. Về mục tiêu và nguyên tắc thi đua khen thưởng
- Mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Về nguyên tắc thi đua, khen thưởng
Theo đó, nguyên tắc khen thưởng được xác định tại khoản 2 Điều 5 Luật năm 2022 như sau:
- Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;
- Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;
- Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;
- Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua khen thưởng.
3. Về các loại hình khen thưởng, hình thức khen thưởng và căn cứ xét khen thưởng
+ Về các loại hình khen thưởng gồm:
- Khen thưởng công trạng là khen thưởng cho cá nhân, tập thể thường xuyên có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Khen thưởng đột xuất là khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình lập được thành tích xuất sắc đột xuất.
- Khen thưởng phong trào thi đua là khen thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua do cấp có thẩm quyền phát động, chỉ đạo trong thời gian cụ thể hoặc thi đua theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.
- Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động lâu dài trong các giai đoạn cách mạng hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có công lao, thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
- Khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có thành tích, có quá trình công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân.
- Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài có thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
+ Về các hình thức khen thưởng được quy định tại Điều 9 Luật năm 2022 gồm: Huân chương; Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; Kỷ niệm chương; Bằng khen và Giấy khen.
+ Về căn cứ xét khen thưởng, Điều 10 Luật năm 2022 xác định căn cứ xét khen thưởng gồm: “Thành tích đạt được; Tiêu chuẩn khen thưởng; Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích”.
4. Về quỹ thi đua khen thưởng
- Quỹ thi đua, khen thưởng được hình thành trên cơ sở ngân sách nhà nước, từ quỹ thi đua, khen thưởng của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác, sự đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, cá nhân, tổ chức nước ngoài và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
- Quỹ thi đua, khen thưởng được dùng để chi tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; chi thưởng đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho thành tích đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chi in, làm hiện vật khen thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình.
- Bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị lập quỹ thi đua, khen thưởng để chi tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, chế độ về khen thưởng theo đúng quy định của pháp luật.
- Người ra quyết định khen thưởng có trách nhiệm chi trả thưởng từ quỹ thi đua, khen thưởng do cấp mình quản lý; trường hợp Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng thì cơ quan đã đề nghị khen thưởng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 83 Luật này có trách nhiệm chi thưởng từ quỹ thi đua, khen thưởng do cấp mình quản lý.
- Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng.
5. Về hiện vật khen thưởng
- Hiện vật khen thưởng là sản phẩm đặc biệt, được Nhà nước bảo hộ để tặng cho tập thể, hộ gia đình, tặng hoặc truy tặng cho cá nhân khi được cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng, gồm huân chương, huy chương; huy hiệu của danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, danh hiệu “Anh hùng Lao động”, danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; kỷ niệm chương; bằng, cờ, giấy khen của các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
- Chính phủ quy định chi tiết mẫu, màu sắc, số sao, số vạch cho từng loại, hạng huân chương, huy chương, huy hiệu của danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, danh hiệu “Anh hùng Lao động”, danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, kỷ niệm chương; chất liệu, kích thước khung các loại huân chương, huy chương, bằng, cờ, giấy khen của các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; thủ tục cấp đổi, cấp lại hiện vật khen thưởng.
6. Đối với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng
Tại Điều 13 Luật năm 2022 xác định rất rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cơ quan, cá nhân có liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng từ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị tham mưu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng.
Đặc biệt, tại Điều 14 Luật năm 2022 đã quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức Việt Nam khi nhận hình thức khen thưởng của cá nhân, tổ chức nước ngoài. Theo đó: cá nhân, tổ chức Việt Nam khi nhận hình thức khen thưởng của cá nhân, tổ chức nước ngoài phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng ý hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thi đua, khen thưởng
Tổ chức thi đua, khen thưởng trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng thi đua, khen thưởng để vụ lợi; Cản trở, nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng; Kê khai gian dối, làm giả hồ sơ, xác nhận, đề nghị sai trong thi đua, khen thưởng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị, quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trái pháp luật; Sử dụng hiện vật khen thưởng trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, tác động xấu đến xã hội; Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng trái quy định của pháp luật.
8. Về danh hiệu thi đua
- Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; thẩm quyền xem xét, công nhận sáng kiến, công nhận sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Điều 21.
- Danh hiệu chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh; thẩm quyền xem xét, công nhận sáng kiến, công nhận sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Điều 22.
- Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”: Chiến sĩ thi đua cơ sở Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận...
- Danh hiệu “Lao động tiên tiến” tại Điều 24 đã phù hợp với Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức như sau: Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; Có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.
- Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” tại Điều 25, được quy định cụ thể, gồm 03 loại như sau: Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” để tặng hằng năm cho tập thể tiêu biểu xuất sắc trong số các tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức; Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” để tặng hằng năm cho tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức; Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” để tặng cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động có thời gian thực hiện từ 05 năm trở lên khi sơ kết, tổng kết phong trào.
+ Về tặng cờ thi đua của Bộ, ban, ngành, tỉnh, được chia thành 02 loại:
- Danh hiệu cờ thi đua của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng hằng năm cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua của cụm, khối thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức; Danh hiệu cờ thi đua của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua theo chuyên đề do Bộ, ban, ngành, tỉnh phát động có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên khi tổng kết phong trào.
- Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc ” tại Điều 27 như sau: Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” để tặng hằng năm cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau đây:
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; Tích cực tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả; Có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất là 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”;Có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Giao Bộ, ban, ngành, tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”.
- Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” tại Điều 28; trong đó nâng tỷ lệ cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” từ có trên 50% lên có ít nhất 70%.
- Danh hiệu thi đua đối với tập thể là: Xã, phường, thị trấn tiêu biểu tại Điều 20. Đây là danh hiệu lần đầu được quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng. Đối với danh hiệu này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu trên cơ sở khung tiêu chuẩn do Chính phủ quy định.
9. Danh hiệu vinh dự Nhà nước
Tại Điều 67 về tiêu chuẩn tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”: chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ 20 năm trở lên; “Nghệ nhân ưu tú”: chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ 15 năm trở lên. Bỏ cụm từ “phi vật thể”, thời gian xét tặng và công bố 03 năm một lần
10. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng
- Bổ sung quy định “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và trong hệ thống thi đua, khen thưởng, xây dựng cơ sở dữ liệu về thi đua, khen thưởng” (điểm e khoản 2 Điều 89).
- Giảm số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng Nhà nước (khoản 4 Điều 84);
- Bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục khen thưởng theo thủ tục đơn giản (khoản 1 Điều 85).
Phạm Sơn