Sở Tư pháp đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, đồng bộ, gần dân
Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tập trung phát huy vai trò chỉ đạo điều hành của người đứng đầu về công tác CCHC, tiếp tục đẩy mạnh CCHC trong hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm yêu cầu và mục tiêu xây dựng một hệ thống hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, năng động, hiện đại, đáp ứng tốt mọi yêu cầu của Nhân dân, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quyết tâm đưa công tác CCHC tiếp tục đi vào chiều sâu, toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Kết quả chỉ số CCHC các Sở, ban, ngành năm 2023
Theo quyết định công bố xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2023, Sở Tư pháp xếp thứ 3/20 sở, ban, ngành với số điểm Chỉ số CCHC đạt 91.85/100 điểm, là năm thứ 2 liên tiếp Sở Tư pháp duy trì trong nhóm các sở, ban, ngành cấp tỉnh dẫn đầu về chỉ số CCHC. Công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp đã có những chuyển biến tích cực, chỉ số CCHC của sở được cải thiện, đặc biệt từ vị trí xếp thứ 10 của năm 2021, 2 năm gần đây trở thành đơn vị dẫn đầu về kết quả đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đây là một nỗ lực của toàn ngành nhằm xây dựng một nền hành chính tư pháp hiện đại, đồng bộ, gần dân.
Đặc biệt là năm 2023, Sở đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh về trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác CCHC. Quan tâm bố trí nhân lực, nguồn lực, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện CCHC. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp, quyết tâm đưa công tác CCHC tiếp tục đi vào chiều sâu, toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo; góp phần thiết thực vào thành tựu chung của tỉnh về phát triển kinh tế- xã hội.
Năm 2023, Sở Tư pháp đã có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Sở đã tham gia thẩm định 100% văn bản QPPL trình HĐND, UBND tỉnh ban hành; tham gia 65 ý kiến dự thảo văn bản của Trung ương; thẩm định 132 dự thảo văn bản và tham gia ý kiến 1.132 dự thảo văn bản của HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành. Sở đã trực tiếp tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết 308 vụ việc pháp luật ở các địa phương. Tham gia ý kiến đối với 32 hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL cũng được sở nâng cao chất lượng nhằm phát hiện các văn bản ban hành trái thẩm quyền, nội dung trái pháp luật và không phù hợp thực tế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ. Trong năm, sở đã phối hợp với văn phòng UBND tỉnh tiến hành tự kiểm tra 2.289 văn bản do UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành (60 văn bản QPPL, 2229 văn bản khác); phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát 244 văn bản QPPL (trong đó số văn bản QPPL cần phải xử lý sau rà soát là 69 văn bản hết hiệu lực toàn phần, hết hiệu lực một phần đã xử lý xong 51 văn bản).
Sở đã trình UBND tỉnh ban hành 7 quyết định (với 56 TTHC) về việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung danh mục TTHC trong lĩnh vực tư pháp thuộc thầm quyền giải quyết của Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Đơn giản hóa 2 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết lĩnh vực công chứng; trong đó tập trung vào việc đơn giản hóa trình tự thực hiện, giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các TTHC (đã cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa được 2.922.985 đồng/năm; chi phí tiết kiệm 20.721.161 đồng/năm; tỷ lệ cắt giảm chi phí sau đơn giản hóa 88%).
Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở là 125 TTHC (gồm 16 lĩnh vực). Toàn bộ TTHC được cập nhật, công khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến một phần 56 TTHC và toàn trình 69 TTHC đảm bảo tính hệ thống, minh bạch, dễ tra cứu, sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC. Năm 2023 tiếp nhận và giải quyết 50.392 hồ sơ TTHC, tỷ lệ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 100%
Sở Tư pháp đạt TOP 5 DDCI năm 2022
Ngoài ra, nhằm xây dựng một nền hành chính tư pháp hiện đại, đồng bộ, gần dân, việc ứng dụng CNTT trong công tác tư pháp được sở quan tâm đẩy mạnh. Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Đề án “phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), rà soát văn bản pháp luật triển khai Đề án 06; triển khai tái cấu trúc quy trình các dịch vụ công thiết yếu ngành tư pháp: đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, cấp phiếu lý lịch tư pháp; số hóa dữ liệu hộ tịch và đối soát dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư; đảm bảo điều kiện cho người dân sử dụng CCCD gắn chíp hoặc VNeID khi đi công chứng, chứng thực. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 20/6/2023 thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh, đến ngày 31/12/2023 đã nhập 2.084.983 trường hợp (đạt tỉ lệ 100%). Tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, khai thác triệt để thông tin, dữ liệu đã có từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; tạo dữ liệu mở phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số
Công tác CCHC luôn được lãnh đạo Sở Tư pháp quan tâm, chỉ đạo sát sao, qua đó các chương trình kế hoạch được triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ đề ra. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy trong ngành Tư pháp được thực hiện thường xuyên; công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tính kịp thời, sự nghiêm minh của pháp luật; công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết nhiệm vụ Tư pháp ngày càng chặt chẽ.
Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tập trung phát huy vai trò chỉ đạo điều hành của người đứng đầu về công tác CCHC, tiếp tục đẩy mạnh CCHC trong hoạt động Tư pháp nhằm bảo đảm yêu cầu và mục tiêu xây dựng một hệ thống hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, năng động, hiện đại, đáp ứng tốt mọi yêu cầu của Nhân dân, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Phạm Sơn