Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông 2023
So với Luật Viễn Thông 2009, và Luật Viễn thông 2018, Luật Viễn thông 2023 gồm 10 Chương, 73 Điều có những điểm mới nổi bật như sau:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viên thông cơ bản trên Internet để phù hợp với xu thế chuyển đổi số, hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin
Liên quan đến vấn đề cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, tại Điều 28 của Luật Viễn thông quy định:
Một, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có các quyền sau đây:Đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; Các quyền quy định tại các điểm a, b, đ, e và g khoản 1 Điều 13, khoản 3 Điều 40, khoản 2 Điều 62 của Luật này.
Hai, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có các nghĩa vụ sau đây:
Thực hiện việc đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định tại Điều 41 của Luật này; Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 5, Điều 6, Điều 9, các điểm b, c, d, g, l và n khoản 2 Điều 13, các khoản 1, 3 và 4 Điều 20, Điều 22, khoản 1 và khoản 3 Điều 23, khoản 2 Điều 40 của Luật này;
Thực hiện quy định tại Điều 58, khoản 3 Điều 59, Điều 60, khoản 1 và khoản 3 Điều 62 của Luật này trong trường hợp cung cấp dịch vụ có thu tiền của người sử dụng;
Thực hiện việc lưu trữ, quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ đã cung cấp khi giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Chính phủ; Trường hợp cần thực hiện truy nhập vào các tính năng trên thiết bị đầu cuối của người sử dụng dịch vụ để phục vụ việc cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng về sự cần thiết và phải được người sử dụng đồng ý trước khi thực hiện truy nhập;
Công bố chất lượng dịch vụ do mình cung cấp nếu có sở hữu hạ tầng mạng hoặc có thỏa thuận với doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng; công bố chất lượng dịch vụ do mình cung cấp phụ thuộc vào chất lượng mạng viễn thông, dịch vụ viễn thông do các doanh nghiệp viễn thông khác quản lý, cung cấp nếu không sở hữu hạ tầng mạng, không có thỏa thuận với doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng.
Ba, Chính phủ quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và cam kết chung trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông 2023
Bên cạnh đó, theo Điều 29: Cung cấp và sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây của Luật này quy định:
Một, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây có các quyền sau đây:
Đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh;
Các quyền quy định tại các điểm a, b, đ, e và g khoản 1 Điều 13, khoản 3 Điều 40, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 64 của Luật này;
Không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin của người sử dụng dịch vụ trong quá trình xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin, trừ trường hợp luật khác có quy định.
Hai, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây có các nghĩa vụ sau đây:
Thực hiện việc đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định tại Điều 41 của Luật này;
Tuân thủ pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 5, Điều 6, khoản 3 Điều 8, Điều 9, các điểm b, c, d và n khoản 2 Điều 13, các khoản 1, 3 và 4 Điều 20, Điều 22, khoản 1 và khoản 3 Điều 23, khoản 2 Điều 40, khoản 3 Điều 55, Điều 58, khoản 3 Điều 59, Điều 60, khoản 1 và khoản 3 Điều 62 của Luật này;
Bảo đảm các doanh nghiệp viễn thông có thể kết nối và cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu;
Không được truy nhập, khai thác, sử dụng dữ liệu của người sử dụng dịch vụ được xử lý, lưu trữ và truy xuất qua dịch vụ của doanh nghiệp nếu chưa được người sử dụng đồng ý;
Tiến hành kịp thời các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
Không được theo dõi, giám sát thông tin của người sử dụng dịch vụ, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
Thực hiện việc lưu trữ, quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ đã cung cấp khi giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Chính phủ;
Công bố chất lượng dịch vụ do mình cung cấp.
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Viễn thông 2023
Ba, doanh nghiệp trước khi đưa trung tâm dữ liệu vào sử dụng để kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây cho công cộng phải thực hiện công bố về sự phù hợp của trung tâm dữ liệu với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bốn, việc sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực phải tuân theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Năm, Chính phủ quy định chi tiết các nội dung sau đây:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và cam kết chung trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Đồng thời, Luật Viễn thông 2023 còn quy định việc quản lý 03 dịch vụ mới theo cách tiếp cận quản lý nhẹ, có độ mở, linh hoạt, hướng đến bảo vệ quyền lợi người sử dụng, đảm bảo an toàn và tạo thuận lợi cho các dịch vụ phát triển. Không hạn chế sở hữu nước ngoài đầu tư kinh doanh các dịch vụ mới.
Thứ hai, về phát triển hạ tầng viễn thông
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng viễn thông, Luật Viễn thông 2023 bổ sung quy định cho phép công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên tài sản công (Khoản 4 Điều 65); tăng cường sử dụng chung hạ tầng liên ngành giữa viễn thông với các công trình hạ tầng ký thuật khác (điều 66); bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng tòa nhà chung cư, công trình công cộng, khu chức năng,… trong việc thiết kế, xây dựng, bố trí mặt bằng để xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông (Khoản 2 Điều 65).
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Viễn thông 2023
Thứ ba, về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam
Luật Viễn thông 2023 tiếp tục duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, nhưng đã có sự bổ sung, hoàn thiện quy định, khắc phục những hạn chế về hoạt động của Quỹ trong thời gian trước. Ví dụ như: Bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động viễn thông công ích; quy định phương thức thực hiện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý hoạt động viễn thông công ích.
Thứ tư, xử lý “rác viễn thông”
Luật Viễn thông 2023 bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với việc xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM không chính xác, không có thông tin đầy đủ, ngăn chặn các tin nhắn rác, các cuộc gọi lừa đảo (theo Điều 13. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông); nghĩa vụ của thuê bao Viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp được cho phép theo quy định của pháp luật về viễn thông và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký sử dụng (theo Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông, thuê bao viễn thông)./.
Theo: https://quochoi.vn/