Chuyên mục hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tháng 4 sẽ giải đáp các vấn đề như sau:
Ký kết hợp đồng mượn tài sản; giá tính thuế đất sử dụng không đúng mục đích hoặc lấn,...
Chuyên mục hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tháng 4 sẽ giải đáp các vấn đề như sau:
Ký kết hợp đồng mượn tài sản; giá tính thuế đất sử dụng không đúng mục đích hoặc lấn, chiếm; căn cứ để xác định thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; xét khen thưởng đối với trường hợp nghỉ thai sản; quy định thời gian thử việc.
Câu 1: Khi ký kết hợp đồng mượn tài sản thì bên mượn và bên cho mượn có những quyền và nghĩa vụ gì?
Trả lời :
Hợp đồng mượn tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn cho mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.
Điều 514, 515 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định quyền và nghĩa vụ của bên mượn tài sản như sau:
Về quyền:
– Được sử dụng tài sản mượn theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thoả thuận;
– Yêu cầu bên cho mượn phải thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn, nếu có thoả thuận;
– Không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn.
Về nghĩa vụ:
– Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
– Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;
– Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;
– Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn.
Điều 516, 517 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định quyền và nghĩa vụ của bên cho mượn tài sản như sau:
Về quyền:
– Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thoả thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý;
– Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thoả thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn;
– Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra.
Về nghĩa vụ:
– Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có;
– Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thoả thuận;
– Bồi thường thiệt hại cho bên mượn, nếu biết tài sản có khuyết tật mà không báo cho bên mượn biết dẫn đến gây thiệt hại cho bên mượn, trừ những khuyết tật mà bên mượn biết hoặc phải biết.
Câu 2: Trường hợp đất sử dụng không đúng mục đích hoặc lấn, chiếm thì giá tính thuế được xác định như thế nào?
Trả lời :
Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Thông tư số 153/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì: Trường hợp đất sử dụng không đúng mục đích hoặc lấn, chiếm thì giá tính thuế là giá đất theo mục đích đang sử dụng do UBND cấp tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương.
Câu 3: Những căn cứ nào để xác định thuế sử dụng đất phi nông nghiệp?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 153/2011/TT-BTC thì: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được xác định căn cứ vào diện tích đất tính thuế, giá đất tính thuế và thuế suất.
Trong đó:
– Diện tích đất tính thuế là diện tích đất phi nông nghiệp thực tế sử dụng.
– Giá đất tính thuế là giá của 1m2 đất theo mục đích sử dụng của thửa đất tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định và được ổn định theo chu kỳ 5 năm, kể từ ngày 01/01/2012.
Câu 4: Khi nghỉ chế độ thai sản, tôi có được xét khen thưởng hay không?
Trả lời: Theo qui định tại điểm I.2.a Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24/1/2011 của Bộ nội vụ Hướng dẫn thực hiện Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng: Đối tượng nữ nghỉ thai sản theo chế độ qui định của Nhà nước thì thời gian nghỉ vẫn được tính để xem xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Đối với các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao hơn nếu đủ tiêu chuẩn theo qui định thì được xét tặng thưởng./.
Câu 5: Pháp luật về lao động quy định thời gian thử việc như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật lao động năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/5/2013) thì thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phúc tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với 1 công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, ký thuật từ cao đẳng trở lên;
– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
– Không quá 6 ngày làm việc đối với các công việc khác.
Bạn có thể đối chiếu quy định này với công việc mà bạn đang thử việc./.
Câu 6: Công ty tôi ký hợp đồng lao động một năm cho nhân viên, sau 2 tháng làm việc nhân viên này tự ý nghỉ việc mà không xin phép. Vậy công ty tôi phải giải quyết như thế nào với trường hợp này?
Trả lời:
Trong trường hợp này công ty bạn có thể lập Biên bản về việc người lao động tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng 05 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm để tiến hành thủ tục xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đối với người lao động theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 85 Bộ luật lao động.
Theo mục 3 phần III Thông tư 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ lao động thương binh xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 41/CP ngày 06/7/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ Luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính phủ quy định: “Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 41/CP quy định cụ thể như sau:
a. Do thiên tai, hoả hoạn có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi xảy ra;
b. Do bản thân ốm có giấy nghỉ ốm của cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc có xác nhận của cơ sở y tế được thành lập hợp pháp khám và điều trị;
c. Do thân nhân bị ốm trong trường hợp cấp cứu và có xác nhận của cơ sở y tế được thành lập hợp pháp tiếp nhận khám và điều trị. Thân nhân bị ốm bao gồm: Bố, mẹ đẻ; bố mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con;
d. Các trường hợp khác do người sử dụng lao động quy định trong nội quy lao động”.
Như vậy, nếu người lao động nghỉ không có lý do chính đáng thì Công ty có thể xem xét xử lý kỷ luật người lao động theo hình thức sa thải. Công ty bạn có thể gửi thông báo cho người lao động về việc tham dự buổi họp xét kỷ luật lao động này. Trong trường hợp người lao động không tham gia buổi họp xét kỷ luật lao động Công ty phải gửi 03 lần hợp lệ thông báo buổi họp xét kỷ luật lao động cho người lao động. Nếu người lao động không tham gia buổi họp xét kỷ luật lao động sau 3 lần được thông báo thì Công ty có thể tiến hành họp xét xử lý kỷ luật lao động vắng mặt người lao động. Căn cứ buổi họp xét kỷ luật lao động này Công ty có thể ra quyết định kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đối với người lao động.
Công ty xử lý kỷ luật người lao động theo hình thức sa thải phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật lao động như trước khi sa thải người lao động phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn Công ty, sau khi xử lý kỷ luật người lao động Công ty phải gửi Biên bản họp xét kỷ luật lao động và Quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải cho Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Công ty đóng trụ sở…