Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa

Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại

Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại Sở Tư pháp giới thiệu về Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...

Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại
Sở Tư pháp giới thiệu về Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và chính sách khuyến khích các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Câu hỏi: Phạm vi và đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa?

Trả lời: Phạm vi và đối tượng được áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bao gồm:

– Các nhà đầu tư có đăng ký kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tại Thanh Hóa khi đầu tư xây dựng mới siêu thị, trung tâm thương mại; Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn tỉnh;

– Các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

– Các chợ đầu mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn hàng nông sản thực phẩm để tiêu thụ hàng hóa ở các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung; chợ biên giới, chợ dân sinh xã và chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được ngân sách Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư theo Nghị định 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ, không thuộc phạm vi, áp dụng chính sách này.

Câu hỏi: Điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa?

Trả lời: Điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, được quy định như sau:

– Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp phải nằm trong Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được UBND tỉnh phê duyệt.

– Chủ đầu tư xây dựng mới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hoặc cải tạo, nâng cấp chợ phải có dự án đầu tư được phê duyệt;

– Chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng cải tạo chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại đảm bảo tiến độ và chất lượng theo đúng dự án đã được phê duyệt.

Câu hỏi: Nhà đầu tư khi xây dựng mới siêu thị, Trung tâm thương mại; Đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh về đất đai, đầu tư và đào tạo như thế nào?

Trả lời: Nhà đầu tư khi xây dựng mới siêu thị, Trung tâm thương mại; Đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra còn được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh như sau:

Thứ nhất ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Nhà đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ ở khu vực nông thôn được ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho cả thời gian thực hiện dự án.

Nhà đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ ở đô thị, xây dựng mới siêu thị, trung tâm thương mại ở đô thị và nông thôn được giao đất; thuê đất với mức giá thấp nhất theo giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Thứ hai hỗ trợ về đầu tư.

Nhà đầu tư, khi đầu tư xây dựng mới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được UBND tỉnh đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu đến chân hàng rào công trình chợ, siêu thị và trung tâm thương mại.

Trong trường hợp nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ, sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng được hỗ trợ như sau:

– Chợ hạng I:

+ Vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ 500 triệu đồng.

+ Vốn đầu tư từ 7 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng được hỗ trợ 350 triệu đồng.

– Chợ hạng II:

+ Vốn đầu tư từ 7 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ 350 triệu đồng.

+ Vốn đầu tư từ 3 tỷ đồng đến dưới 7 tỷ đồng được hỗ trợ 200 triệu đồng

– Chợ hạng III:

+ Vốn đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ 200 triệu đồng.

+ Vốn đầu tư từ 2 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng được hỗ trợ 100 triệu đồng

Thứ ba hỗ trợ về đào tạo.

UBND tỉnh hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý, quản trị kinh doanh, văn hoá kinh doanh và các quy định của pháp luật về hoạt động thương mại cho tổ chức quản lý kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cá nhân, hộ kinh doanh trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; thời gian tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tối đa không quá 3 tháng.

– Cá nhân, hộ kinh doanh trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được hỗ trợ cho 01 người đi bồi dưỡng; được hỗ trợ tiền học phí nhưng tối đa không quá 400.000 đồng/người.

– Mỗi tổ chức quản lý kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được hỗ trợ cho 02 người đi bồi dưỡng; được hỗ trợ tiền học phí tối đa không quá 1.000.000 đồng/người.

Mỗi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chỉ được hỗ trợ một lần.

Câu hỏi: Đối tượng áp dụng và điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quy định như thế nào?

Trả lời: Đối tượng áp dụng và điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quy định như sau:

– Về đối tượng áp dụng:

+ Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

+ Các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết hoặc thành lập các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

+ Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

– Về điều kiện được hưởng:

+ Dự án đầu tư vào lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa phải nằm trong quy hoạch mạng lưới phát triển ngành đã được phê duyệt

+ Cơ sở thực hiện xã hội hóa thuộc danh mục các loại hình và đáp ứng tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của thủ tướng Chính phủ.

+ Cơ sở thực hiện xã hội hóa không được chuyển nhượng đất đã được nhà nước giao để thực hiện xã hội hóa.

Câu hỏi: Tỉnh Thanh Hóa quy định về chính sách khuyến khích Dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Trả lời: Dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, được hưởng chính sách khuyến khích sau đây:

a. Đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa được giao đất; Cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo các hình thức:

– Giao đất không thu tiền sử dụng đất;

– Cho thuê đất và miễn tiền thuê đất;

– Giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất.

b. Đối với đất đô thị, đất ở được hưởng chế độ miễn, giảm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như sau:

– Lĩnh vực văn hóa, thể thao, môi trường: Được miễn 100% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

– Lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế:

. Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y học cổ truyền; điều dưỡng và phục hồi chức năng; bảo trợ xã hội, chăm sóc người tàn tật, trẻ em mồ côi, dạy nghề cho người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được miễn 100% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phân biệt địa bàn đầu tư.

. Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế còn lại.

+ Được giảm 60% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư trên địa bàn các phường của thành phố Thanh Hóa.

+ Được giảm 80% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư tại các xã thuộc địa bàn Thành phố Thanh Hóa, các phường thuộc địa bàn Thị xã Bỉm Sơn; Thị xã Sầm Sơn.

+ Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các xã, thị trấn còn lại thuộc địa bàn thị xã Bỉm sơn, Thị xã Sầm Sơn và các huyện.

Câu hỏi: Dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011-2015, được ngân sách Thành phố hỗ trợ như thế nào?

Trả lời: Dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước, đầu tư tại Thành phố Thanh Hóa được ngân sách Thành phố hỗ trợ như sau:

+ Các dự án đầu tư khôi phục và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống thuộc các ngành: Nghệ nhân đúc đồng, gốm xứ, đồ gỗ mỹ nghệ được hỗ trợ 100% chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.

+ Các dự án đầu tư Trung tâm thương mại, siêu thị, Khu chung cư trên 20 tầng, bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế, trường học đạt tiêu chuẩn quốc tế có tổng mức vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên, khi thực hiện dự án thi công xây lắp đạt 50% giá trị công trình được hỗ trợ 2% tổng dự toán đầu tư xây dựng công trình, mức hỗ trợ tối đa cho một dự án là 10 tỷ đồng.

+ Đối với dự án đầu tư chế biến xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công viên nghĩa trang vĩnh hằng triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, được hỗ trợ 5% tổng mức đầu tư phần xây lắp dự án.

Câu hỏi: Chính sách hỗ trợ về đào tạo lao động đối với dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015, như thế nào?

Trả lời: Ngân sách Thành phố Thanh Hóa hỗ trợ về đào tạo lao động đối dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015 như sau:

– Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khi thực hiện dự án thu hút từ 20 lao động địa phương trở lên có qua đào tạo nghề, theo hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động từ tháng thứ 12 trở lên, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động thì được thành phố hỗ trợ 2/000.000 đồng/1 lao động. Mức hỗ trợ tối đa cho 01 doanh nghiệp không quá 500 triệu đồng.

– Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khi thực hiện dự án đầu tư ở miền núi, giải quyết việc làm cho 20 lao động từ thành phố trở lên được đào tạo nghề và hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động từ tháng 12 trở lên, mức thu nhập bình quân của người lao động gấp 03 lần mức lương tối thiểu và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động thì được hỗ trợ 2.000.000 đồng/1 lao động. Mức hỗ trợ tối đa cho 01 doanh nghiệp không quá 500 triệu đồng./.

Phòng Kiểm tra văn bản

Các tin liên quan
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH THANH HÓA

Bản quyền sử dụng: Sở Tư pháp Thanh Hóa

Địa chỉ: 34 Đại lộ Lê Lợi, Thành phố Thanh Hoá

ĐT: 02373.852.763; Fax: 02373.751.584

Chịu trách nhiệm: Ông Bùi Đình Sơn – Giám đốc Sở Tư Pháp

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa