Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa

Giải đáp câu hỏi của Công ty TNHH Kando

Giải đáp câu hỏi của Công ty TNHH Kando Câu hỏi 1: Khi một doanh nghiệp lập trang web thì có phải đăng ký với cơ quan nhà nước không? Nếu có thì đăng ký tại cơ quan nào? Hồ sơ...

Giải đáp câu hỏi của Công ty TNHH Kando
Câu hỏi 1: Khi một doanh nghiệp lập trang web thì có phải đăng ký với cơ quan nhà nước không? Nếu có thì đăng ký tại cơ quan nào? Hồ sơ gồm những gì?

Trả lời:

– Theo quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet; Thông tư số 14/2010/TT-BTTTT ngày 29/6/2010 của bộ thông tin truyền thông Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đối với hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến thì khi thành lập website, và để website được cấp phép hoạt động, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

– Về đăng ký hoạt động: Theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 5 Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ thì khi thành lập trang web doanh nghiệp phải đăng ký với Bộ thông tin truyền thông.

– Về hồ sơ cấp phép hoạt động: trước hết doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện quy định tại khoản 1, điều 21 Nghị định 97/2008/NĐ-CP; điều 8 Thông tư số 14/2010/TT-BTTTT

* Hồ sơ cấp phép lập thành 02 bộ, mỗi bộ hồ sơ gồm có:

– Đơn đề nghị cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử có nội dung cam kết tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định tại Thông tư này

– Bản sao có chứng thực một trong các loại giấy tờ:

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp thành lập theo luật doanh nghiệp)

+ Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp thành lập theo Luật Đầu tư);

+ Quyết định thành lập (đối với tổ chức không phải doanh nghiệp) có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử xin cấp phép và kèm theo văn bản chấp thuận của cơ quan chủ quản (nếu có);

+ Giấy phép hoạt động báo chí (đối với cơ quan báo chí).

– Bằng tốt nghiệp đại học (bản sao có chứng thực) và sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm quản lý trang thông tin điện tử có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có ảnh và dấu giáp lai.

– Đề án thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp có những nội dung chính quy định tại điểm d khoản 2 Điều 21 Nghị định 97. Trường hợp sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thì tên miền này phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng tại thời điểm xin cấp phép. Trường hợp sử dụng tên miền quốc tế thì tên miền này đã được thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông theo đúng quy định tại Thông tư 09/2008/TT-BTTTT, ngày 24 tháng 12 năm 2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.

– Văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp tin để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn tin.

Câu hỏi 2: Sau thời gian tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp tiếp tục hoạt động lại thì phải làm thủ tục gì?

Theo quy định tại Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều 57 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ, nếu doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động thì có quyền tạm ngừng kinh doanh. Việc tạm ngừng kinh doanh phải được thông báo bằng văn bản tới cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất mười lăm ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tối đa được pháp luật quy định đối với trường hợp tạm ngừng kinh doanh là hai năm. Mỗi lần tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá một năm.

Hồ sơ thông báo gồm: thông báo tạm ngừng kinh doanh (thông báo phải có đủ nội dung: tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh; thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và kết thúc thời hạn tạm ngừng; lý do tạm ngừng; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp); quyết định và biên bản họp của hội đồng thành viên, nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty, nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của đại hội đồng cổ đông, nếu là công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh, nếu là công ty hợp danh.

Như vậy, trong hồ sơ thông báo, doanh nghiệp đã ấn định cụ thể ngày bắt đầu tạm ngừng và ngày kết thúc tạm ngừng kinh doanh. Do vậy, khi hết thời hạn tạm ngừng thì doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình. Trong trường hợp chưa hết thời hạn tạm ngừng mà doanh nghiệp muốn kinh doanh trở lại thì doanh nghiệp có thể làm Công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chi cục Thuế để thông báo về việc này./.

Phòng Kiểm tra văn bản

Các tin liên quan
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH THANH HÓA

Bản quyền sử dụng: Sở Tư pháp Thanh Hóa

Địa chỉ: 34 Đại lộ Lê Lợi, Thành phố Thanh Hoá

ĐT: 02373.852.763; Fax: 02373.751.584

Chịu trách nhiệm: Ông Bùi Đình Sơn – Giám đốc Sở Tư Pháp

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa