Giải đáp câu hỏi của Công ty quảng cáo Mai Tuấn Hùng
Câu hỏi 1: Tại thời điểm góp vốn, một thành viên công ty cổ phần góp vốn một căn nhà có giá trị 5 tỷ đồng. Sau khi...
Giải đáp câu hỏi của Công ty quảng cáo Mai Tuấn Hùng
Câu hỏi 1: Tại thời điểm góp vốn, một thành viên công ty cổ phần góp vốn một căn nhà có giá trị 5 tỷ đồng. Sau khi công ty đi vào hoạt động một thời gian, giá trị của căn nhà đó trên thị trường tăng hoặc giảm đi thì công ty có được tăng hoặc giảm số vốn góp của thành viên đó tương ứng với giá trị căn nhà hay không?
Theo Điều 30 Luật doanh nghiệp 2005 quy định về định giá tài sản góp vốn như sau:
“1. Tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá.
2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông áng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.
3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do doanh nghiệp và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn hoặc tổ chức định giá và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá”.
Theo quy định khi góp vốn thành lập công ty cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông sáng lập thống nhất định giá tại thời điểm góp vốn. Vì vậy, sau khi công ty đi vào hoạt động một thời gian, giá trị của căn nhà đó trên thị trường tăng hoặc giảm thì công ty không được tăng hoặc giảm số vốn góp của thành viên góp vốn đó.
Câu hỏi 2: Khi doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề không có trong danh mục đăng ký trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì vi phạm điều luật nào? Hình thức xử lý như thế nào? Cơ quan nào trực tiếp thụ lý, giải quyết vấn đề này?
Trả lời:
– Theo quy định tại Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại thì: Khi doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề không có trong danh mục đăng ký trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là vi phạm điều 10 Nghị định số 112/2010/NĐ-CP: “Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
– Hình thức xử lý khi doanh nghiệp vi phạm quy định kinh doanh ngành nghề không có trong danh mục đăng ký trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: bị xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 112/2010/NĐ-CP, cụ thể như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
+ Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định ở trên trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện hoặc hàng hóa đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép.
– Cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết về xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/4/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 06/01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và địa bàn, lĩnh vực quản lý mà việc thụ lý, giải quyết thuộc thẩm quyền của cá nhân những người trong các cơ quan nhà nước như: UBND cấp xã, UBND cấp huyện, quản lý thị trường, công an, bộ đội biên phòng, hải quan, thanh tra.
Phòng Kiểm tra văn bản.