Hội nghị triển khai Nghị định số 99/2022/NĐ-CP và bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật đăng ký biện pháp bảo đảm
Thực hiện Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 09/06/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm; Kế hoạch số 128/KH-STP ngày 03/3/2023 của Sở Tư pháp Thanh Hoá về thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm năm 2023. Ngày 06/10/2023, Sở Tư pháp Thanh Hoá tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị định số 99/2022/NĐ-CP và bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật đăng ký biện pháp bảo đảm
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thi hành án dân sự, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, các tổ chức hành nghề công chứng, Trợ giúp viên pháp lý, tổ chức khác có liên quan.
Đồng chí Lê Ngọc Minh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị đồng chí Lê Ngọc Minh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã nhấn mạnh Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2023. Nghị định được ra đời để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, bao quát được sự thay đổi trong quy định của pháp luật liên quan như Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử…Nghị định tập trung tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ chính quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP như: chưa bao quát được hết hiệu quả, hiệu lực của việc đăng ký; từ chối đăng ký; thông tin về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; thông tin trên Phiếu yêu cầu đăng ký; ngôn ngữ sử dụng, chữ ký, con dấu trong đăng ký; trả kết quả đăng ký; đăng ký thay đổi, xóa đăng ký; việc tách bạch giữa xóa đăng ký với hủy đăng ký do hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu; cơ chế chỉnh lý thông tin có sai sót; phương thức thanh toán phí đăng ký; nộp hồ sơ đăng ký trên môi trường điện tử; trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển mới của kinh tế - xã hội. Do đó, việc tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm, luôn được xác định là hoạt động thường xuyên của tỉnh, của ngành Tư pháp, qua đó triển khai kịp thời các quy định mới để thực hiện, đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới, cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch; đảm bảo ổn định an ninh trật tự, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế xã hội của của tỉnh.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp triển khai Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm; giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định trên, bảo đảm, vận dụng các kỹ năng, nghiệp vụ này để thực thi hiệu quả công việc
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp triển khai nội dung tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định như: đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng...v.v. Thông qua hội nghị các đại biểu đã được trang bị những kiến thức cơ bản của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm và giao dịch bảo đảm. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý nghĩa và vai trò của công tác đăng ký biện pháp giao dịch bảo đảm trong đời sống xã hội, nâng cao trình độ nghiệp vụ và kiến thức pháp luật để tham mưu tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại cơ quan, đơn vị./.
Phạm Sơn