Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật từ “quản lý” sang “khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển”
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương Lê Thành Long nhấn mạnh nội dung quan điểm xây dựng pháp luật chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy khơi thông nguồn lực để phát triển.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, thay mặt Chính phủ và Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cảm ơn và ghi nhận các ý kiến thảo luận rất chất lượng về mặt nội dung, mang tinh thần xây dựng; đồng thời cho biết, ý kiến tại Diễn đàn đã cho thấy rõ quyết tâm, sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác xây dựng thể chế - một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước, "Công tác này không có ngày nghỉ, không có giờ hành chính", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh "đổi mới tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế", Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, cần chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực để phát triển. Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền một cách thực chất, đồng thời bảo đảm đủ tiền đề cho những người, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc.
Phó Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhiều hơn so với các kỳ họp trước. Trong đó, có các dự án luật được đề xuất theo phương án 1 luật sửa nhiều luật để giải quyết các vấn đề cấp bách của cuộc sống.
Nhấn mạnh vai trò đẩy mạnh hoàn thiện thể chế chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Phó Thủ tướng chỉ ra những con số tích cực về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Đó là tăng trưởng GDP quý III đạt 7,4%, 9 tháng tăng trưởng 6,82%. Công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng 11,41% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 85% dự toán năm và tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải xử lý để đẩy mạnh hơn nữa phát triển sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, Diễn đàn hôm nay nhằm "chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp", tập trung vào việc nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc.
Ghi nhận ý kiến đóng góp tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, để tham mưu xây dựng một văn bản của Thủ tướng để giao việc cho các cơ quan, trước hết là các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành cần tiếp thu trên tinh thần cầu thị để chỉnh lý, đưa vào các dự thảo văn bản và giải trình một cách thỏa đáng.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo Phó Thủ tướng, không chỉ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách mà còn phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, cần xem xét xây dựng hành lang pháp lý để cán bộ, công chức yên tâm làm việc. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn trong quá trình vận hành nền công vụ.
Về phía các doanh nhân, doanh nghiệp, cũng cần phát huy yếu tố đạo đức doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nghiệp cần làm theo pháp luật, nghiêm túc tuân thủ với một nền văn hóa doanh nhân tốt trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 sắp đến, Phó Thủ tướng chúc các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phát đạt, đúng quy định của pháp luật, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước cũng như cho các chương trình an sinh xã hội.
Theo: moj.gov.vn